Bảo tồn thiên nhiên 23/06/2014:10:08:37
Hệ lụy những tin đồn về “thần dược” có nguồn gốc từ động vật rừng
ảnh minh họaHiện nay, một bộ phận không ít người nhất là những người “nhiều tiền, lắm của” luôn săn tìm động vật hoang dã để làm thức ăn, làm thuốc theo những thông tin đồn thổi, những nhận định chưa được kiểm chứng của các cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp chưa thấy “khỏe lên” nhờ “thần dược” từ động vật hoang dã thì đã mắc phải những chứng bệnh nan y, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng.
ảnh minh họa

Chúng ta đã biết, căn bệnh thế kỷ HIV có thể có nguồn gốc từ loài khỉ, tinh tinh (theo ViệtBáo.vn, ngày 13/6/2003). Đó là căn bệnh thế kỷ, hiện nay thế giới chưa có thuốc điều trị đặc trị; còn có thể kể đến rất nhiều bệnh bị lây truyền từ động vật hoang dã, đại dịch SARS năm 2003 được xác định có nguồn gốc từ loài Dơi móng ngựa và lây truyền sang các loài động vật hoang dã khác và trở thành nỗi kinh hoàng đối với loài người;… Các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật hoang dã không chỉ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp khi săn bắt, vận chuyển và buôn bán, mà còn gây bệnh với những người tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh. Nhiều nghiên cứu, thống kê cho thấy, loài Dúi (Chuột nứa, Căn cắn) được săn bắt và bán vào các nhà hàng làm thực phẩm có thể gây bệnh. Những bệnh tiêu biểu có thể mắc sau khi ăn phải thịt Dúi bị bệnh như xoắn khuẩn: gây tổn thương não, viêm và xuất huyết khu trú tại tim và phổi, tổn thương mô và gan, hoại tử ống thận, dẫn tới suy thận cấp; bệnh Hantavirus: gây sốt cao, đau đầu, đau cơ, hại phổi và thận; bệnh Sodoku: có thể gây viêm màng não, viêm tim nội mạc, viêm gan, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu, thậm chí gây tử vong; bệnh dịch hạch; bệnh Rickettsia;… (theo Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Thế giới (WCS) tại Hội thảo “Y Dược học cổ truyền bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm” vì mục đích bảo vệ và phát triển hệ sinh thái đa dạng tại Việt Nam).

Bên cạnh đó, việc sử dụng tùy tiện, không theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ đối với mật Gấu, sừng Tê giác, cao Hổ,… đều có thể gây bệnh, tác hại khôn lường. Đã có trường hợp bệnh nhân bị liệt dương sau khi sử dụng bừa bãi sừng Tê giác vì niềm tin có thể tăng cường sinh lực phái mạnh. Nhiều trường hợp tử vong vì suy gan, suy thận do uống quá nhiều rượu pha mật Gấu. Theo Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Thế giới (WCS), 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Hơn thế nữa, việc sử dụng động vật hoang dã tràn lan, không có kiểm soát làm suy kiệt nguồn tài nguyên động vật hoang dã của Việt Nam nói riêng và Thế giới nói chung. Theo Sách đỏ 2007 ghi rằng 25% các loài bò sát và động vật có vú, 20% các loài lưỡng cư, 12% các loài chim trên trái đất sẽ phải đối mặt với sự tuyệt chủng trong vòng 30 năm tới; tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã cảnh báo: Hơn 16.000 loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu và với tốc độ phá hủy nơi cư trú như hiện nay thì trong vòng 10 năm tới mỗi năm sẽ có khoảng 25.000 loài động, thực vật bị tuyệt chủng. Sự biến mất của các loài động, thực vật sẽ dẫn tới sự sụp đổ dây chuyền của các loài khác sống phụ thuộc vào chúng trong đó có loài người.

Thời gian gần đây, con người liên tiếp phải gánh chịu những thiên tai, thảm họa bất ngờ từ thiên nhiên như bão, lũ, sóng thần, động đất,… làm hàng chục nghìn người thiệt mạng. Đó mới chỉ là một phần cái giá mà con người phải trả cho cách mà con người đã đối xử với thiên nhiên. Rõ ràng con người phải nhận thức được rằng sự phá hủy của mình và sự phát triển không bền vững đang ngày càng tác động đến cuộc sống và tương lai của chính loài người. Nếu chỉ nhìn vào những lợi ích trước mắt thì về lâu, về dài loài người sẽ phải chuốc lấy những thiệt hại vô cùng to lớn và không thể lường hết được.

Tác giả: Lê Nguyên Chất
Số lượt đọc : 715 - Cập nhật lần cuối: 23/06/2014 10:06:37 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành