Bảo tồn thiên nhiên 27/03/2014:07:08:57
Quản lý loài Hổ (Panthera Tigris) trên địa bàn huyện Thọ Xuân - Thanh Hoá
Hổ (Panthera tigris) còn gọi là cọp, hùm, ông ba mươi, chúa sơn lâm là một loài động vật có vú thuộc họ Mèo (Felidae). Hổ là một loại thú dữ ăn thịt sống, chúng là động vật to lớn nhất trong họ Mèo.

Trong tự nhiên, Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán Hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó ở Việt Nam số lượng cá thể hổ trong tự nhiên suy giảm nghiêm trọng. Loài Hổ đã được pháp luật Việt Nam quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt và thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), nằm trong danh mục các loài loài cực kỳ nguy cấp (CR) thuộc Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN).

Việc nuôi nhốt Hổ ở Việt Nam được phát hiện đầu tiên tại tỉnh Bình Dương vào năm 2006, khi ấy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng từng định tịch thu toàn bộ số Hổ đang nuôi nhốt bất hợp pháp, giao cho tổ chức có chức năng nuôi nhằm bảo tồn, tuy nhiên sau khi nghiên cứu, xem xét cẩn trọng và giải pháp đưa ra là để các chủ cơ sở được tiếp tục nuôi Hổ vì mục đích bảo tồn. Sau này trên địa bàn tỉnh ta có trang trại của hộ gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến ở xóm 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân  nuôi sinh trưởng 11 cá thể Hổ với nguồn gốc: do ông Nguyễn Mậu Chiến nuôi nhốt trái phép (không rõ xuất xứ) đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá xử phạt vi phạm hành chính (tại Quyết định 2320/QĐ-UBND ngày 03/8/2007 và Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 29/5/2008) giao cho ông Nguyễn Mậu Chiến và ông Nguyễn Văn Tư tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng và lập Phương án gây nuôi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên nguyên tắc phải đảm bảo điều kiện an toàn cho con người, an toàn vệ sinh môi trường, dịch bệnh đối với vật nuôi và cộng đồng, có kiến thức khoa học trong chăm sóc, nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn loài động vật này và phải được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng quản lý theo dõi chặt chẽ; nghiêm cấm giết mổ, mua bán, kinh doanh vì mục đích thương mại không được tự ý di chuyển hoặc mua thêm Hổ để nuôi.

Để chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, bảo vệ động vật rừng nói chung và loài Hổ nói riêng, Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai và tổ chức thực hiện động bộ các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ tốt nhất các cá thể Hổ trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền, vận động gắn với tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời chủ trại nuôi, cơ sở nuôi thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản động vật hoang dã. Trong các năm qua trên địa bàn không phát sinh vụ việc tương tự, tuy  nhiên để công tác bảo tồn loài Hổ bền vững không chỉ thực hiện bằng các chế tài quản lý mà rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước; sự chung tay giám sát của cả cộng đồng góp phần bảo vệ, gìn giữ loài động vật hoang dã quý hiếm đang trên đà bị tuyệt chủng này./.

Tác giả: Nguyễn Minh Hào
Số lượt đọc : 1337 - Cập nhật lần cuối: 27/03/2014 07:03:57 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành