Tin tức - Sự kiện 01/11/2013:09:23:31
Cây Xoan chịu hạn-loài cây lâm nghiệp đa tác dụng
Cây Xoan chịu hạn (hay còn gọi là cây Sầu đông, Xoan ấn độ,… tên tiếng anh là Neem) có tên khoa học là: Azadirachta indica A.Juss , có xuất xứ từ Ấn Độ và được trồng đại trà ở Châu Phi,… Tại Việt Nam, cây Xoan chịu hạn được du nhập và nhân giống lần đầu tiên vào năm 1981 tại Bình Thuận do Giáo sư Lâm Công Định (Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) mang hạt giống từ Sénégan về và đã được trồng thử nghiệm thành công tại 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Năm 1994, cây mẹ đã bắt đầu ra lứa quả đầu tiên và được nhân giống trồng mở rộng tại các huyện Tuy Phong, Hàm thuận Bắc và các huyện khác trong tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, cả vùng đồi núi trọc khô cằn và vùng bãi cát trắng ven biển.

Xoan chịu hạn phát triển tốt trên đất cát rời, đất có đá lẫn, nhiều ánh sáng và có khả năng chịu hạn tốt, phát triển trên đất có độ PH cao, thậm chí đất có tầng cứng 1,5 đến 2 mét, thích hợp với khí hậu nhiệt đới, khô nóng có thể lên tới 50 độ C, lượng mưa từ 500-1.200mm, độ ẩm 60%, có thể trồng ở vùng đồi núi có độ cao từ 1000-1500 mét so với mặt biển.

Cây trồng sau 8 đến 10 năm cho thu hoạch gỗ, tuổi thọ của cây có thể lên tới hàng trăm năm, cây cao trung bình 12-15 mét, cây trưởng thành có thể cao tới 20 mét, đường kính đến 1 mét, cây 5-6 tuổi trở lên đã cho quả làm giống, một năm hai vụ thu hoạch quả, vào tháng 4-6 và 10-12. Số lượng hạt trong 1 kg quả từ 2.000- 2.500 hạt, tỷ lệ nảy mầm trung bình 60%.

Xoan chịu hạn là cây trồng Lâm nghiệp đa tác dụng: Là cây có tác dụng phòng hộ, bảo vệ môi trường, thích hợp với vùng đất thoái hoá, khô cằn. Nó đâm chồi tốt và có nhiều lông hút ở rễ, nhất là ở nơi khô hạn để thích nghi. Với đặc tính sinh thái là chịu được khí hậu đất đai khô hạn nên cây Xoan chịu hạn rất có giá trị trong công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc ở vùng núi cao như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá hay ở vùng cát trắng khô hạn ven biển. Ngoài ra, cây Xoan chịu hạn còn có nhiều công dụng khác như Gỗ mịn, dùng làm hàng mộc cao cấp, hàng mỹ nghệ, làm bột giấy, ván dăm, ván ghép thanh.v.v. Lá và quả dùng làm phân bón, làm thuốc trừ sâu, xà phòng diệt khuẩn. Trên thế giới, Xoan chịu hạn là cây đa mục đích, nó cho rất nhiều sản phẩm mà hiện nay trên thị trường đang sử dụng. Đối với y học, cây Xoan chịu hạn có nhiều ứng dụng rất mạnh trong điều chế thuốc chữa bệnh đường ruột, các bệnh tiêu hóa, đặc biệt là đối với bệnh viêm nhức chân răng. Đối với ngành mỹ phẩm, lá và quả Xoan cho chế phẩm làm thuốc dưỡng da. Đối với sản xuất nông nghiệp thì đây là một loài cây cho hiệu quả rất cao về thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng bằng thuốc sinh học và sản xuất phân bón trong sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Viet-GAP.

Tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Xoan chịu hạn trồng thành rừng trên các vùng cát trắng hoang mạc ven biển và vùng đất trống đồi trọc khô cằn khắc nghiệt ở vùng vúi. Kết quả cho thấy Xoan chịu hạn có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trên các vùng lập địa có độ dốc cao và đất đai khô cằn.

Với đặc điểm sinh học như trên, cây Xoan chịu hạn có thể trồng và phát triển được trên điều kiện lập địa và khí hậu khắc nghiệt huyện Mường Lát (Thanh Hoá) hay nói cách khác, đất đai, khí hậu ở Mường Lát cũng có đặc điểm giống như ở vùng đồi núi sói mòn khô hạn như ở Ninh Thuận, Bình Thuận, phù hợp với môi trường sống của cây Xoan chịu hạn. Đó là căn cứ thực tiễn để đề xuất việc tổ chức trồng thử nghiệm loài cây này nhằm góp phần giải quyết nhu cầu bức súc về giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai vùng đồi núi khô cằn huyện Mường Lát, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, chống sa mạc hoá và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thu hoạch lá và quả Xoan chế biến thuốc trừ sâu trong sản xuất rau sạch ở Ninh Thuận

Tác giả: Khương Bá Tuân – Câu lạc bộ Lâm nghiệp
Số lượt đọc : 5406 - Cập nhật lần cuối: 01/11/2013 09:11:31 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành