Xây dựng lực lượng 15/04/2023:19:07:17
KIỂM LÂM HUYỆN QUAN HÓA QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Cùng với sự hình thành của lực lượng Kiểm lâm, ngày 24/4/1974 Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa được thành lập, có trụ sở đặt tại Khu 7, Thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

          Quá trình xây dựng và phát triển của Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa trải qua 05 giai đoạn, gắn liền với sự hình thành, phát triển và đặc điểm tình hình của địa phương, của ngành:

          * Giai đoạn 1974 – 1995

          Công tác tổ chức: Ngày đầu thành lập, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa với 24 cán bộ Kiểm lâm nhân dân; có 01 Chi bộ với 10 đảng viên, gồm 01 Hạt trưởng, 01 Phó hạt trưởng, với 03 trạm Kiểm lâm: Trạm Kiểm lâm Trung Hạ; Trạm Kiểm lâm Phú Lệ (Phú Thanh); Trạm Kiểm lâm Nam Động và 01 trạm kiểm soát lâm sản Na Sài.

          Chức năng nhiệm vụ: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Thực hiện chức năng thừa hành Pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và lưu thông, phân phối lâm sản. Thu thuế lâm sản và tài nguyên rừng.

          * Giai đoạn 1996 – 2000: Giai đoạn chia tách huyện Quan Hóa và thành lập các Khu bảo tồn.

          Ngày 18/11/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/CP về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quan Hóa được chia thành 03 huyện: Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát. Ngày 30/01/1997, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 182/QĐ-TC/UB, về việc thành lập Hạt Kiểm lâm Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa. Năm 1999 thành lập 02 Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu, Pù Luông

          Công tác tổ chức: Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Biên chế của Hạt kiểm lâm là 19 cán bộ và 01 hợp đồng phục vụ. Đơn vị đi vào hoạt động có quy mô nề nếp, nơi ăn ở làm việc gọn gàng, sạch sẽ.

          Chức năng nhiệm vụ: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo vệ và xây dựng vốn rừng. Thừa hành pháp luật theo địa giới hành chính mới của huyện Quan Hóa được quy định tại Quyết định số 72/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ.

          * Giai đoạn 2001 đến năm 2006:

          Năm 2001, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 856/QĐ-UB ngày 9/4/2001 về việc thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Hu, Pù Luông trực thuộc các Ban quản lý Khu BTTN thuộc Chi cục Kiểm lâm; theo đó lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn huyện Quan Hóa gồm 54 người. Trong đó: Kiểm lâm trực thuộc Hạt kiểm lâm Quan Hóa là 16 người; Kiểm lâm Pù Hu là 33 người; Kiểm lâm Pù Luông là 05 người.

          * Giai đoạn 2006 đến năm 2013: Lực lượng Kiểm lâm được tổ chức, hoạt động theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ quy định.

          Công tác tổ chức: Thời kỳ này, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa có tổng số 25 cán bộ, gồm có 03 Trạm Kiểm lâm và 01 Tổ Kiểm lâm cơ động và PCCCR.

          Chức năng nhiệm vụ: Tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo và thực hiện các Phương án, kế hoạch, các công văn chỉ đạo trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR và giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình các thôn, bản trên địa bàn huyện và đản bảo chấp hành về pháp luật về lâm nghiệp.

           * Giai đoạn 2013 đến năm 2023:

          Công tác Kiểm lâm thực hiện theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 và Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14. Đơn vị thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

          Công tác tổ chức: Đơn vị có 5 Trạm Kiểm lâm trực thuộc, tổng số CB, CC, VC, LĐHĐ trong đơn vị đến tháng 3/2023 là 21 đồng chí,; về trình độ chuyên môn có 02 Thạc sỹ, 17 Đại học; 01 Trung cấp, 01 Lái xe. Các tổ chức đoàn thể trong đơn vị hiện nay gồm: 01 Chi bộ Đảng gồm 19 Đảng viên, trực thuộc Huyện ủy huyện Quan Hóa; Công đoàn bộ phận gồm 21 đoàn viên, Chi đoàn thanh niên với 05 Đoàn viên trực thuộc Huyện đoàn huyện Quan Hóa.

          Chức năng nhiệm vụ: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 và Quyết định số 676/QĐ-SNN&PTNT ngày 26/9/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa.

          * Đặc điểm về tình hình tài nguyên rừng trên địa bàn huyện:

          Quan Hóa có diện tích tự nhiên là 99.069,90 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 86.134,32 ha, chiếm 86,9% diện tích tự nhiên; độ che phủ rừng năm 2022 đạt 84,79%. Trên địa bàn huyện có 03 Khu BTTN, gồm: Khu BTTN Pù Hu, Pù Luông và Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động còn giàu về trữ lượng, đa dạng về thành phần loài, với nhiều loài động thực vật quý hiếm, tập trung ở các diện tích rừng đặc dụng.

          * Những thành tựu đạt được của đơn vị

          Phối hợp bỏa vệ và phát triển 3 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông và  Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động với diện tích 23.998,48 ha. Hoàn thành công tác GĐLN cho các tổ chức, tập thể, hộ gia đình. Đưa 12 Kiểm lâm viên phụ trách 15 xã, thị trấn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã thực hiện chức năng QLNN về rừng và đất lâm nghiệp.

          Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR); Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp; thực hiện tốt phương án bảo vệ rừng, giữ vững ổn định an ninh rừng (ANR), quản lý chặt chẽ nguồn lâm sản từ rừng tự nhiên; thực hiện có hiêu quả công tác quản lý gỗ tích trữ trong nhân dân; quản lý việc sử dụng cưa xăng; thu hồi súng săn… Phối hợp với các lực lượng chức năng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng trong công Bảo vệ rừng, PCCR và đấu tranh chống buôn lậu lâm sản. Tham mưu thực hiện tốt công tác Phối hợp trong BVR, PCCCR với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Từ đó, những năm qua số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp hàng năm giảm đáng kể, đặc biệt là không để hình thành các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép, không để xảy ra cháy rừng.

          Hằng năm đơn vị sản xuất, cung ứng 85 vạn cây giống lâm nghiệp; từ năm 2015 đến 2022, đã tham mưu chỉ đạo trồng 900 ha rừng sản xuất và 90 ha rừng phòng hộ.

          * Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học:

          Phối hợp với phòng bảo tồn thiên nhiên triển khai các đề tài, dự án như: Dự án: Nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên cây thuốc; Dự án: Bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu tại khu bảo tồn; Dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết các loài cây cổ thụ hạt trần quý hiếm để quản lý rừng bền vững tại Khu bảo tồn; Dự án: Nghiên cứu đặc điểm khu hệ lưỡng cư, bò sát làm cơ sở bảo tồn loài động vật mới phát hiện (Rắn khuyết Nam Động); Mô hình trồng cây thảo dược (Huyết đằng, Khúc khắc, Ngũ gia bì) dưới tán rừng...

          Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm huyện Quan Hóa luôn sát cánh cùng đồng bào các dân tộc trong huyện, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, là công cụ không thể thiếu của chính quyền các cấp, là chỗ dựa vững chắc của chủ rừng và nhân dân trên mặt trận bảo vệ rừng; xứng đáng là lực lượng nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Với những thành tích đạt được, trong 50 năm qua, nhiều cá nhân, tập thể được Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, UBND huyện Quan Hóa khen thưởng; Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Bằng khen và cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh; Băng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

          * Trong quá trình tham mưu, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa có một số bài học, kinh nghiệm sau:

          Một là: Triển khai kịp thời, đầy đủ và vận dụng linh hoạt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển lâm nghiệp ở địa phương, xác định rõ mục tiêu Bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền, sự tham gia của nhân dân, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cấp xã.

          Hai là: Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và ngành cấp trên tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở các giải pháp thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác BV&PTR, PCCCR; phối hợp với các Ban Đảng, Ủy ban MTTQ, Đoàn thể chính trị tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và xã hội về công tác lâm nghiệp.

          Ba là: Phải thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng Kiểm lâm vững mạnh, trong đó coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ tinh thông, đủ sức làm tốt chức năng tham mưu và tổ chức thừa hành pháp luật; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Chi bộ, không ngừng cũng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Chi bộ và các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên đảm bảo các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.

          Bốn là: Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác để tập trung lãnh đạo, điều hành, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; đi đôi với việc thường xuyên sâu sát kiểm tra, giám sát nắm bắt tình hình cơ sở để có những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; coi trọng công tác tổ chức cán bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, thường xuyên làm tốt công tác rà soát quy hoạch, đánh giá cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có tinh thần trách nhiệm, có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao./.

Một số hình ảnh hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam

 

 

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và LĐHĐ Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa

 

Hoạt động Kiểm tra rừng của Kiểm lâm viên tại xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa

 

Hoạt động phối hợp với Công an xã, Đoàn thanh niên kiểm tra rừng tại xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa

 

Hoạt động tuyên truyền lưu động về bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn huyện Quan Hóa

 

Rừng trên núi đá Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động

 

 

Hướng dẫn Đoàn Thanh niên, lực lượng Dân quân tư vệ sử dụng thiết bị PCCCR

Tác giả: Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa
Số lượt đọc : 350 - Cập nhật lần cuối: 15/04/2023 07:04:17 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành