Xây dựng lực lượng 14/04/2023:16:28:52
Hạt Kiểm Lâm huyện Thường Xuân: 50 năm xây dựng và phát triển

       Thường Xuân là huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp  97.354,25 ha, trong đó:  Đất có rừng: 83.243,50 ha (Rừng tự nhiên: 70.496,92  ha, Rừng trồng: 12.746,58 ha) và đất chưa có rừng 14.110,75ha; là huyện có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, với nhiều loại gỗ quí hiếm như Pơ mu, Bách xanh, Lim xanh, Đinh hương, Trai lý và loài Quế ngọc nổi tiếng trong vùng. Hệ thống động vật phong phú có nhiều loài quí hiếm được ghi trong sách đỏ như Voọc xám, Vượn đen má trắng, phần lớn tập trung tại Khu BTTN Xuân Liên. Rừng Thường Xuân có giá trị về phòng hộ đầu nguồn đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong huyện và các huyện miền xuôi, có giá trị về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo vệ biên giới Quốc gia.

       Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển cùng với tiến trình phát triển của đất nước, Kiểm Lâm huyện Thường Xuân từng bước đi lên, vượt qua bao khó khăn gian khổ của những ngày mới thành lập để đến hôm nay có những bước tiến vượt bậc trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), góp phần đưa kinh tế rừng ngày một phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu từ rừng.

       Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân có 22 công chức, viên chức. Trình độ chuyên môn có 01 người trình độ Thạc sỹ; 18 người trình độ đại học, 02 người trình độ trung cấp; 01 người trình độ Sơ cấp (Lái xe); về Lý luận chính trị: 01 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 06 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Bộ máy tổ chức của đơn vị có Văn phòng Hạt và 04 trạm Kiểm lâm trực tiếp tham mưu quản lý nhà nước trên địa bàn 16 xã, thị trấn với 3 chủ rừng Nhà nước là BQL Khu BTTN Xuân Liên, BQL Rừng PH Thường Xuân và Đồn Biên phòng Bát Mọt.

       * Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, Hạt Kiểm lâm Thường Xuân đã làm tốt nhiệm vụ của mình thể hiện qua những mặt công tác sau:

       Công tác tham mưu: Bám sát nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, thực hiện Nghị quyết của Huyện uỷ Thường Xuân, Chương trình, Kế hoạch của UBND huyện và các nhiệm vụ thường xuyên, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo trong công tác QLBVR, đảm bảo triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

       Công tác quản lý rừng: Tham mưu cho UBND huyện triển khai và hoàn thành công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp theo Nghị định số 01/CP, số 02/CP và Nghị định số 163/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là những cơ sở quan trọng trong việc thực hiện xã hội hóa công tác QLBVR. Căn cứ năng lực chuyên môn và sở trường công tác, đơn vị đã phân công KLV phụ trách địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; xây dựng quy ước BVR ở tất cả các cộng đồng dân cư thôn (bản), làm tốt công tác tuyên truyền gắn với việc giải quyết tốt các chính sách hưởng lợi và đầu tư dự án phát triển rừng đến từng hộ gia đình, từ đó đã làm thay đổi nhận thức của chính quyền cấp xã và người dân trong việc xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cấp xã và của chủ rừng, có sự tham mưu nòng cốt của Kiểm lâm.

       Công tác PCCCR: Trên cơ sơt thực trạng rừng trên địa bàn huyện, đơn vị tiến hành khoanh vùng trọng diểm cháy để có biện pháp quản lý bảo vệ; duy trì tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR với hàng nghìn người tham gia, phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, trường học để thực hiện công tác tuyên truyền PCCCR, nên những năm gần đây trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng.

       Về thực hiện pháp luật Lâm nghiệp: Ngay từ ngày đầu thành lập, Kiểm Lâm được xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác thừa hành pháp luật về bảo vệ rừng, từ kiểm soát an ninh rừng tại gốc đến việc kiểm soát các tuyến vận chuyển, các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, động vật rừng. Đặc biệt trên lĩnh vực chống buôn lậu lâm sản (do vừa là địa bàn giàu tài nguyên,vừa là địa bàn trung chuyển gỗ từ Nghệ An, nước bạn Lào sang. Các đối tượng đầu nậu lâm sản tại khu vực Bái Thượng, Xuân Bái, Thọ Xuân – nơi từng được mệnh danh là “Thánh địa Pơ mu” luôn hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động; đây là cuộc chiến cam go, quyết liệt luôn gắn với quá trình xây dựng, phát triển của lực lượng Kiểm lâm nói chung và của Kiểm lâm Thường Xuân nói riêng. Nhiều cán bộ, công chức Kiểm lâm bị lâm tặc hành hung gây thương tích, hiện nay Hạt Kiểm lâm Thường Xuân hiện có 04 đồng chí bị thương do lâm tặc tấn công, nay đang được hưởng chế độ như Thương binh

       Trong suốt 50 năm qua, công tác thừa hành pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu và đã được tiến hành thường xuyên liên tục, với nhiều giải pháp đồng bộ, các vụ vi phạm cơ bản đã được phát hiện và xử lý kịp thời, thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ vì vậy đã có tác dụng răn đe giáo dục, phòng ngừa, làm cho an ninh rừng ngày càng ổn định theo hướng bền vững.

       Công tác theo dõi diễn biến rừng: Triển khai thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến rừng; phản ánh chính xác, khách quan thực trạng tài nguyên rừng, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý. Trên cơ sở kết quả cập nhật diễn biến rừng hàng năm, đã tham mưu cho UBND huyện công bố số liệu hiện trạng rừng và đất quy hoạch phát triển rừng với độ chính xác ngày càng cao, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện, độ che phủ rừng từ 61% (năm 2004) tăng lên 74,6% (năm 2022).

       Công tác phát triển rừng: Từ năm 2009 đến nay, thực hiện dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và hướng dẫn nhân dân tổ chức trồng rừng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch.

       Công tác xây dựng lực lượng và xây dựng cơ sở vật chất: Khi mới được thành lập trang bị cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, số lượng cũng như chất lượng cán bộ còn nhiều hạn chế, đa số cán bộ là bộ đội chuyển ngành, chưa qua đào tạo. Trải qua các thời kỳ, lực lượng Kiểm lâm từng bước trưởng thành, trong sự phát triển chung đó, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của đơn vị đã được đào tạo trưởng thành cả chuyên môn và nghiệp vụ công tác; lúc mới thành lập đơn vị có 16 cán bộ, song chỉ có 3 đồng chí có trình độ trung cấp và sơ cấp, không có đồng chí nào có trình độ đại học thì đến nay đơn vị có 22 đồng chí, trong đó có 01 người có trình độ Thạc sỹ; 18 người có trình độ đại học, 02 người có trình độ trung cấp; 01 người có trình độ Sơ cấp (Lái xe); 01 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 06 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Điều kiện cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp đáp ứng ngày càng tốt hơn, đảm bảo phục vụ cho đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh. 

       Thành tựu qua 50 năm xây dựng và phát triển là to lớn, song bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những tồn tại khuyết điểm. An ninh rừng có lúc, có nơi, có thời điểm chưa thực sự ổn định bền vững; việc khai thác, phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tuy đã được giảm nhiều song chưa được giải quyết dứt điểm; công tác PCCCR có lúc còn chủ quan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng; lợi ích kinh tế của người dân trong sản xuất lâm nghiệp chưa cao, chưa trở thành động lực đủ mạnh để khuyến khích chủ rừng và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng; nhận thức, trách nhiệm của chính quyền cấp xã một số nơi còn hạn chế; trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng, đặc biệt chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân chưa cao; lực lượng Kiểm lâm có lúc, có nơi, có thời điểm cũng chưa làm tròn trách nhiệm, một số Kiểm lâm năng lực chuyên môn, nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, song chưa chịu khó học tập vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao..

       Tiếp bước thành quả 50 năm qua để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm đó là:

       Một là, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng: Kiểm lâm là nghề luôn phải đối diện với những mặt trái của xã hội. Do đó phải thường xuyên quan tâm giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong lối sống lành mạnh cho cán bộ công chức, viên chức Kiểm lâm luôn giữ vững bản lĩnh công tác; không bị khuất phục trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường, không tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm, thực hiện tốt chế độ chính sách đối cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo mọi điều kiện cả về điều kiện làm việc và sinh hoạt để cán bộ Kiểm lâm yên tâm công tác. Tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền để nâng cao vị thế cho lực lượng Kiểm lâm.

       Hai là, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư với nhiều hình thức và nội dung phong phú, từ đó góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân trong huyện.

       Ba là, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm ổn định bền vững tài nguyên rừng; chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao lợi ích của chủ rừng, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền xã, nắm bắt thông tin, đấu tranh ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn.

       Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra an ninh rừng; lấy bảo vệ rừng tại gốc là chủ yếu, quản lý chặt chẽ các tuyến vận chuyển lâm sản từ rừng ra gắn với quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, nhất là cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên; làm tốt công tác khuyến lâm; hướng dẫn cho chủ rừng trong sản xuất kinh doanh nghề rừng; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao, phù hợp với thực tế ở địa phương, từ đó xã hội hóa công tác bảo vệ rừng.

       Năm là, luôn thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và kỷ luật, tạo động lực tốt cho cán bộ công chức Kiểm lâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xây dựng tốt phong trào thi đua, có lộ trình với mục tiêu phấn đấu cụ thể nhằm phát hiện, gây dựng phong trào và nhân rộng các điển hình tiến tiến trong đơn vị. Mặt khác làm tốt công tác phòng ngừa, nghiêm khắc xem xét thi hành kỷ luật đối với những tập thể và cá nhân vi phạm chính sách pháp luật cũng như nội quy, quy chế của ngành và đơn vị.

       Trước tình hình mới, yêu cầu mới, công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Thường Xuân còn gặp rất nhiều khó khăn; đòi hỏi công chức, viên chức và người lao động Kiểm lâm Thường Xuân tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng hiện có trên địa bàn huyện với khẩu hiệu “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng./.

Một số hình ảnh về các hoạt động của đơn vị

                              Tập thể, CB, CC, VC, LĐHĐ hiện đang công tác tại đơn vị                                     

Hạt Kiểm lâm Thường Xuân phối hợp với Đội Kiểm lâm huyện Sầm Tớ, chính quyền cụm, bản Phôn Xay huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng song phương

           Sữa chữa, bảo dưỡng bảng tuyên truyền tại cửa khẩu Khẹo, xã Bát Mọt

Lễ kết nạp Đảng viên mới

           Hạt Kiểm lâm Thường Xuân phối hợp tổ chức tuyên truyền tại trường học

 Hạt Kiểm lâm Thường Xuân phối hợp chính quyền xã Bát Mọt, Khu BTTN Xuân Liên kiểm tra an ninh rừng

 

 

 

 

Tác giả: Lê Thị Ngân- Kiểm lâm viên, Hạt KL huyện Thường Xuân
Số lượt đọc : 256 - Cập nhật lần cuối: 14/04/2023 04:04:52 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành