QLBV rừng 20/04/2023:16:26:55
Thực trạng và giải pháp công tác bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại Khu di tích Lịch sử và kiến trúc Nghệ thuật Lam Kinh

          Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nằm cách Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân khoảng 300m về phía Bắc, nằm trên địa bàn 3 xã: Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn - Thọ Xuân và xã Kiên Thọ - Ngọc Lặc. Theo Phương án quản lý rừng bền vững, giai đoạn 2021-2030 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3463/QĐ-UBND ngày 06/9/2021, diện tích đất rừng đặc dụng 59 ha, đất rừng sản xuất 17,2 ha. Rừng nơi đây, chủ yếu là rừng trồng với các loài cây bản địa đặc trưng của Thanh Hóa, theo thống kê có 66 loài, trong đó có nhiều loài quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam như: Lim xanh, Chò chỉ, Vù hương, Lát hoa, Dổi xanh, Long não, Duối, Sui, Sấu, Đa... nhiều cây quý, hiếm do lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm mỗi lần về thăm, dâng hương. Nơi đây còn là nơi cư trú của nhiều loài chim, thú nhỏ tạo nên quần thể đa dạng sinh học đặc trưng của rừng đặc dụng Lam Kinh, tạo cảnh quan hấp dẫn khách du lịch mỗi lần về thăm, dâng hương khu di tích.
          Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh có những thế mạnh lớn về cảnh quan sinh thái, vùng đất sơn thủy hữu tình, đất đai trù phú, rừng cổ Lam Sơn lưu giữ hệ sinh thái đa dạng, phong phú, tạo môi trường trong lành… là một trong những yếu tố quan trọng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, hấp dẫn du khách đến tham quan nghỉ dưỡng và giữ chân du khách lưu trú lâu hơn khi đi du lịch ở rừng đặc dụng Lam Kinh. Các loại hình du lịch sinh thái ở đây gồm: Tham quan du lịch rừng đặc dụng; đi thuyền câu cá trên hồ Như Áng - đảo trên hồ, hồ Tây, sông Ngọc ở Lam Kinh; thăm vùng mía đường, khu công nghệ cao của nhà máy đường Lam Sơn…;

          Để phát huy tiềm năng, lợi thế khu di tích công tác bảo vệ sinh môi trường sinh thái luôn được quan tâm, chú trọng, với phương châm “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ban quản lý thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân sống trong, ven di tích chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đặc dụng; tổ chức ký cam kết cho các hộ gia đình thực hiện bảo vệ rừng và PCCCR; công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội được quan tâm như: tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đúng quy định. Công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực thực hiện. Nhiều năm qua, an ninh rừng đặc dụng ổn định, không có cháy rừng xảy ra. Đạt được thành tích này Ban quản lý di tích đã chủ động tổ chức thực hiện một số biện pháp sau:

          - Về tổ chức hành chính, chỉ đạo và điều hành: Hàng năm Ban quản lý đã chủ động ban hành đầy đủ hệ thống văn bản để chỉ đạo, điều hành công tác PCCCR theo hướng dẫn của cơ quan Kiểm lâm. Thành lập ban chỉ đạo; tổ thường trực. Bố trí lực lượng chuyên trách (15 người), phân công trực, tuần tra kiểm soát chặt chẽ (có sổ ghi chép cập nhật giao, nhận ca) đến từng lô rừng và các công trình trong khu di tích. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các xã, thị trấn; thôn, xóm gần khu di tích phổ biến tuyên tuyền các nội quy, quy ước BVR&PCCCR; xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể với từng thôn xóm để có thể huy động lực lượng cứu chữa nhanh nhất nếu xảy ra.

          - Công tác tập huấn, huấn luyện, tuyên truyền, giáo dục pháp luật: Ban quản lý đã phối hợp với Hạt Kiểm Thọ Xuân, Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an huyện Thọ Xuân, tổ chức nhiều đợt tập huấn, huấn luyện về kỹ năng chữa chữa cháy rừng và sử dụng thiết bị máy móc, dụng cụ chữa cháy rừng cho lực lượng bảo vệ rừng, lực lượng dân quân các xã Kiên Thọ - huyện Ngọc Lặc, thị trấn Lam Sơn – huyện Thọ Xuân với gần 1000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, ban quản lý di tích đã xây dựng đầy đủ hệ thống bảng tin, biển báo cấm lửa, chòi canh lửa tại khu trung tâm và trên các đường phân lô. Đồng thời tăng cường công tác truyền qua hệ thống loa phóng thanh các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, PCCCR, thời gian chủ yếu là trong mùa nắng nóng, những ngày diễn ra lễ hội và chống bẻ cành hái lộc trong dịp tết nguyên đán hằng năm.

          - Về công tác lâm sinh: Trong khu di tích được phân lô (ranh giới lô) bằng các đường lát gạch, đá đi đến các khu Bia mộ, Lăng tẩm trong khu di tích, vừa thuận tiện cho việc đi lại du khách đi đến thắp hương, vừa có tác dụng như các đường băng ngăn lửa cháy lan. Ngoài khu trung tâm Ban quản lý đã chủ động tổ chức lực lượng phát dọn đường băng trắng rộng 15 m chia nhỏ các lô rừng và áp dụng các biện pháp làm giảm vật liệu cháy như: xử lý thực bì đốt trước có điều kiện, phát dọn đưa vật liệu dễ cháy ra khỏi rừng...

          * Một số khó khăn, tồn tại.

          - Khu di tích hiện nay vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải, các khu chức năng như nhà đón tiếp, bãi giữ xe, chưa được đầu tư; hệ thống nhà vệ sinh công cộng mới được đầu tư 3 nhà trong gần khu di tích so với nhu cầu lúc cao điểm là vẫn còn thiếu, sự thiếu hụt đó là một trong những nguyên nhân tác động xấu tác động đến việc gìn giữ bảo vệ môi trường sinh thái.

          - Hoạt động du lịch sinh thái tại khu Di tích lịch sử Lam Kinh không tránh khỏi những tác động tiêu cực lên bảo vệ mội trường và phúc lợi xã hội của người dân địa phương. Hơn nữa nhiều hoạt động du lịch sinh thái xuất hiện nhạy cảm về môi trường văn hóa, đặc biệt là con người có thể bị tổn thương.

          - Việc quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ du lịch còn bất cập và chồng chéo. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch, việc đầu tư tôn tạo chậm tiến độ như công trình phỏng dựng Chính điện Lam Kinh kéo dài sang năm thứ sáu vẫn chưa hoàn thành. Nhiều tài nguyên du lịch và môi trường du lịch đang có nguy cơ suy giảm do khai thác, sử dụng chưa hợp lý do những tác động tiêu cực của con người và thiên nhiên ngày càng tăng.

          - Công tác bảo vệ rừng, PCCCR đặc dụng khu di tích lịch sử Lam Kinh mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước và của chủ rừng về tài chính về nhân vật lực; xong nguy cơ chặt phá rừng, cháy rừng vẫn luôn tiềm ẩn khó lường: Như chúng ta đã biết nguyên nhân của các vụ cháy rừng đều xuất phát từ con người, thực tế diện tích rừng nơi đây tuy không lớn song vật liệu cháy là khá nhiều. Du khách thập phương đến thăm viếng quanh năm các hoạt động như dùng lửa thắp hương, đốt vàng mã nếu không có sự hướng dẫn, sự kiểm soát chặt chẽ dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng.

 

         * Những giải pháp trong thời gian tới.

          - Để du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, coi trọng phát huy các giá trị văn hoá bản địa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, tăng sự trải nghiệm cho du khách, xây dựng quy hoạch hạ tầng giao thông đồng bộ, đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin, internet để quảng bá du lịch, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Phát triển du lịch vì chất lượng cuộc sống, du lịch phải gìn giữ được cảnh quan môi trường và mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng là những biện pháp mạnh nhằm xây dựng .

          - Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm mới; kiểm soát nguồn ô nhiễm, suy thoái môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế có ảnh hưởng đến môi trường tại khu di tích lịch sử Lam Kinh như xây dựng, phát triển công nghiệp, khai thác lâm sản, giao thông vận tải, nuôi trồng thủy sản, bán hàng, sản xuất ở các làng nghề...

          - Ưu tiên nguồn lực đầu tư để triển khai các chương trình bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; thực hiện tốt việc bảo tồn rừng nguyên sinh, bảo vệ rừng đặc dụng; nghiên cứu cải tạo cảnh quan cây xanh, trồng bổ sung các loài cây bản địa thay thế các khu vực rừng keo, bạch đàn đã già cõi.

          - Khuyến khích cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, đồng thời có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan khu di tích lịch sử Lam Kinh.

          - Tăng cường giáo dục nhận thức, chia sẻ quyền lợi, đảm bảo tham gia các hoạt động du lịch đem lại nguồn lợi thiết thực cho cộng đồng dân cư, huy động được cộng đồng dân cư xung quanh tham gia quản lý và gìn giữ tài nguyên, môi trường du lịch bền vững.

          - Đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên tuyền giáo dục, phổ biến pháp luật cho mọi tâng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng trong việc bảo vệ rừng là bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái là trách nhiệm của mọi người; không phải của riêng Ban quản lý và lực lượng bảo vệ.

          Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp trên chắc chắn rừng đặc dụng khu di tích lịch sử Lam Kinh sẽ tiếp tục được bảo vệ tốt hơn góp phần bảo tồn các hệ sinh thái rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái trong khu vực, chống biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu vực; đồng thời tiếp tục duy trì bảo vệ tôn tạo một di sản lịch sử, đã được công nhận khu Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là “Di tích Quốc gia đặc biệt”./.

 

 

 

Tác giả: Hà Duy Thủy - Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân
Số lượt đọc : 288 - Cập nhật lần cuối: 20/04/2023 04:04:55 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành