Xây dựng lực lượng 17/04/2023:16:47:12
HẠT KIỂM LÂM HUYỆN NHƯ THANH - 26 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

          Như Thanh là huyện miền núi thấp của tỉnh Thanh Hóa, trải dài hơn 51 km đường chim bay theo hướng Bắc – Nam, giáp ranh với 5 huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An. Theo số liệu thống kê năm 2022, huyện có tổng diện tích tự nhiên là: 58.809,33 ha, diện tích có rừng 37.345,2 ha, trong đó phân theo nguồn gốc có  14.685 ha rừng tự nhiên; 22.660,33 ha rừng trồng; độ che phủ là 57,3%. Toàn huyện có 14 xã, thị trấn, có 02 chủ rừng Nhà nước và chủ rừng là công ty, hộ gia đình, cá nhân. Thu nhập của người dân trên địa bàn chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. 

          1.  Lịch sử hình thành:

          Tiền thân của Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh hiện nay là Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân. Ngày 17/5/1974, Hạt Kiểm lâm nhân dân huyện Như Xuân thành lập, trực thuộc Uỷ ban hành chính huyện Như Xuân (huyện Như Xuân và Như Thanh hiện nay).

          Ngày 18/11/1996, huyện miền núi Như Thanh được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Như Xuân theo Nghị quyết số 72/1996/NQ-CP của Chính phủ. Ngày 30/7/1997, Hạt Kiểm lâm Như Thanh được thành lập theo Quyết định số 182/1997/QĐ-UB của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hoá, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hoá, Trụ sở chính đặt tại Khu phố 4, Thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, với 02 Trạm Kiểm lâm trực thuộc là Trạm Kiểm lâm Cán Khê và Trạm Kiểm lâm Thanh Tân.

          Đơn vị có 01 Chi bộ trực thuộc Đảng Bộ huyện Như Thanh, 01 tổ chức công đoàn bộ phận trực thuộc Công đoàn Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá. Chi bộ Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh luôn giữ vững vai trò lãnh đạo đơn vị trong mọi tình huống; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xây dựng, cũng cố lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, Đảng viên. Công đoàn bộ phận đã thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công chức, viên chức, người lao động.

          Từ năm 1997 đến trước tháng 10/2006, Lực lượng Kiểm lâm Như Thanh được tổ chức theo Nghị định số 39/NĐ-CP, ngày 18/5/1994 của Chính phủ, thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991, sau đó là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.  Thời điểm này,  Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, do Hạt trưởng phụ trách, có hai Phó Hạt trưởng giúp việc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng do Chi cục trưởng Kiểm lâm quyết định sau khi có sự thoả thuận của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

          Từ tháng 10/2006 đến ngày 14/2/2019, được tổ chức theo Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ. Nghị định này đã quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của Hạt Kiểm lâm cấp huyện, công chức Kiểm lâm khi thi hành công vụ. Thời kỳ này, số lượng công chức, viên chức, lao động hợp đồng tại Hạt từ 16-18 biên chế.

          Từ 15/2/2019 đến nay được tổ chức theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 quy định về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách Bảo vệ rừng, tổ chức thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017. Do đặc thù địa bàn,  từ tháng 5/2021, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh chỉ có 01 Phó Hạt trưởng giúp việc. Chỉ tiêu 16 biên chế và tổ chức cán bộ có nhiều biến động do nghỉ hưu, biệt phái, luân chuyển công tác.

 

Tập thể Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh năm 2023

          Trải qua 26 năm hình thành và phát triển với nhiều biến động về tổ chức bộ máy và quản lý,  các thế hệ Kiểm lâm Như Thanh đã không ngừng trưởng thành và phát triền, vượt qua mọi khó khăn và thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp một phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế Lâm nghiệp cho huyện nhà nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

          2. Công tác cán bộ

          Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh có 13 biên chế là công chức, viên chức, lao động hợp đồng, Hạt trưởng là đồng chí Lê Kim Du; Phó Hạt trưởng là đồng chí Phạm Xuân Chinh với 02 đồng chí Phụ trách Trạm là đồng chí Lê Quang Phán, Nguyễn Xuân Ngọc cùng với 08 công chức, 03 viên chức và 01 Lao động hợp đồng lái xe.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh qua các giai đoạn:

Đ/c Nguyễn Văn Huề, Hạt trường từ năm 1997-2001

Đ/c Vũ Văn Vân, Hạt trưởng từ năm 2001- 2004

Đ/c Lê Phú Vẽ, Hạt trưởng từ năm 2004-2008

Đ/c Lê Duy Ngợi, Hạt trưởng từ năm 2008-2018

Đ/c Nguyễn Văn Bảo, Hạt trường từ năm 2018- 10/2022

Đ/c Lê Kim Du, Hạt trưởng từ tháng 11/2022 đến nay

          Khi mới thành lập, Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh chủ yếu được tuyển dụng, điều động từ các đơn vị khác và bộ đội chuyển ngành. Trình độ chuyên môn chủ yếu là trung cấp, sơ cấp và trình độ Đại học rất ít; trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác bảo vệ rừng còn rất hạn chế; trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng hầu như chưa có. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lực lượng Kiểm lâm Như Thanh đã có sự thay đổi cơ bản về chất; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, làm chủ được công nghệ trong thời kỳ mới.

          Sự thay đổi về chất, năng lực, trình độ chuyên môn được nâng cao, hoàn thiên qua từng thời kỳ, từng giai đoạn.  Năm 2014, tổng số biên chế Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh là 18 cán bộ công chức, viên chức và lao động hợp đồng, trong đó có 08 đồng chí có trình độ Đại học, chiếm 42% thì đến tháng 12/2022, Hạt được giao tổng số biên chế là 16 đồng chí (hiện cơ quan có 13 đồng chí, trong đó có 01 hợp đồng lái xe) thì có 01 đồng chí có trình độ thạc sĩ chiếm 8,3%; trình độ Đại học là 09 đồng chí chiếm 75%, trình độ cao đẳng là 02 đồng chí chiếm 16,7% . 100% Kiểm lâm viên sử dụng thành tạo máy vi tính, đều đã sử dụng thành thạo, làm chủ được việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong tuần tra, kiểm tra rừng; 100% cán bộ lãnh đạo quản lý tại Hạt có trình độ lý luận chính trị Trung cấp trở lên.

          3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ:

          Trải qua 26 năm hình thành và phát triển với nhiều sự thay đổi về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, về tổ chức bộ máy và quản lý, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh vẫn luôn là đơn vị luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa và Huyện ủy, UBND huyện Như Thanh đánh giá cao.

          Để đạt được những kết quả đó, Lãnh đạo và kiểm lâm viên Hạt đã không ngừng học tập, nghiên cứu, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thể hiện tốt vai trò tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện ban hành và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, gắn với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Như Thanh lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020 – 2025); phát triển lâm nghiệp một cách toàn diện và bền vững, gắn với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện nhà đó là:

          Làm tốt công tác rà soát lại 3 loại rừng theo Quyết định số 5133/QĐ-UBND ngày 04/12/2019 của UBND tỉnh, xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững theo quy định, đóng mốc giới phân định 3 loại rừng. Thực hiện hiệu quả công tác cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp để đánh giá biến động về chất lượng, trữ lượng rừng phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường quản lý chặt chẽ tình hình sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, có giải pháp xử lý tình trạng chủ rừng sau khi được giao đất, giao rừng sử dụng không đúng mục đích hoặc để rừng bị xâm hại trái phép nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

          Đối với diện tích rừng tự nhiên: Bảo vệ nguyên trạng diện tích rừng hiện có, giữ vững an ninh rừng ổn định, thực hiện phương châm bảo vệ rừng tại gốc mang tính bền vững cao. Rà soát ranh giới giữa các xã với xã, giữa các xã với chủ rừng nhà nước. Xác định lại diện tích ranh giới chủ rừng hộ gia đình;

          Về công tác phát triển rừng để có chiến lược phát triển bền vững, đem lại hiệu quả cao cần kêu gọi, mời các Trung tâm, Viện nghiên cứu cây trồng lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu vào giúp huyện nghiên cứu điều tra, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để áp dụng những cây trồng phù với môi trường của huyện nhà, mạnh dạn chuyển đổi diện tích rừngLuồng kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả hơn. khuyến khích, đầu tư, hỗ trợ những hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế trang trại theo hướng Nông, Lâm, Ngư nghiệp kết hợp.

          Kêu gọi, mời các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp có đủ điều kiện, uy tín đầu tư, hỗ trợ, tư vấn cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC hoặc PEFS. Đầu tư cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh sản phẩm rừng trồng của huyện nhà đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm đến với các nước trên toàn thế giới.

          Triển khai, thực hiện quản lý tốt các chương trình chính sách hưởng lợi của chủ rừng theo Nghị định số 75 CP, đến chủ rừng là hộ gia đình; chương trình dự án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội tại các bản vùng đệm rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bến En.

          Những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên đặc biệt công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng phải được triển khai đồng bộ các giải pháp; đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền và tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở, phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban ngành trong đó cơ quan tham mưu nòng cốt là lực lượng Kiểm lâm, phòng NN&PTNT.

Một số hình ảnh về công tác truyên truyền qua các năm

          Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được triển khai, duy trì thường xuyên và luôn được đổi mới về nội dung, hình thức. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình huyện, Kiểm lâm công tác tại địa bàn xã phối hợp với xã, thôn, xây dựng và phát hành hàng chục chuyên đề, hàng ngàn lượt tin, bài tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, cảnh báo cháy rừng trên hệ thống loa phát thanh của huyện, xã, thôn; Tổ chức hàng trăm cuộc họp dân để tuyên truyền các chế độ chính sách về giao đất, giao rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác, phát giác những người vi phạm luật Lâm nghiệp.

          Huyện Như Thanh hiện có 14.685 ha rừng tự nhiên cần được bảo vệ. Với chức năng đảm bảo chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng Kiểm lâm luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, vượt qua cám dỗ vật chất để ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái pháp luật. Từ khi thành lập đến nay, Hạt Kiểm lâm Hạt Như Thanh đã kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ vi phạm, thu nộp Ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn các điểm nóng chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tình hình vi phạm pháp luật về rừng các năm sau giảm dần so với các năm trước.

          Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được Hạt Kiểm lâm tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Hạt đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt Phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo từng giai đoạn cụ thể; chủ động thực hiện đồng bộ các phương án, kế hoạch, giải pháp PCCCR kịp thời, linh hoạt . Do đó, những năm trở lại đây, mặc dù được xác định là khu vực trọng điểm cháy của tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên trên địa bàn huyện Như Thanh không xảy ra cháy rừng.

 

Diễn tập chữa cháy rừng năm 2017 tại xã Mậu Lâm

          4. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước: 

          Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt các phong trào thi đua do Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh phát động.  Hàng năm, Lãnh đạo Hạt phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn Hạt phát động phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao gắn với các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh luôn gương mẫu đề cao trách nhiệm, cùng chung tay xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn; hàng năm ủng hộ kinh phí xây dựng các Quỹ: Vì người nghèo, chất độc da cam dioxin, khuyến học….

          Ghi nhận sự cố gắng không ngưng nghỉ và những kết quả đã đạt được trong chặng đường suốt 26 năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh được Chủ tịch  Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Như Thanh trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen cho tập thể và cá nhân. Đối với tập thể, tiêu biểu như danh hiệu thi đua: Tập thể lao động xuất sắc năm 2007, 2011; Tập thể lao động xuất sắc trong thực hiện PCCCR năm 2010; Tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thực hiện phong trào thi đua kỷ niệm 40 năm thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam của Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp năm 2013... Hình thức khen thưởng đạt được như: Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp tặng giấy khen năm 2013; Chủ tịch UBND tỉnh Tặng bằng khen năm 2013, 2014; Giám đốc SNN&PTNT tặng giấy khen năm 2014, 2016, 2017 ; Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen năm 2014,  2019, 2020…

          5. Thuận lợi, khó khắn trong thực hiện nhiệm vụ:

          Trong quá trình hình thành và phát triển, để đạt được những kết quả như trên trước hết là nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, và sự hỗ trợ, phối hợp giữa các phòng, ban, cơ quan ban, ngành đóng trên địa bàn huyện Như Thanh, Ủy ban nhân dân xã, trị thấn và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt là sự cố gắng phấn đấu vươn lên của các thế hệ cán bộ công chức Kiểm lâm Như Thanh; các đồng chí đã luôn nỗ lực, đoàn kết, với ý chí vượt khó khăn để thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong việc thực thi và chấp  hành pháp luật trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.

          Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hiện nay Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu biên chế so với chỉ tiêu giao biên chế của Chi cục Kiểm lâm, địa bàn rộng nên một số Kiểm lâm viên phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn, nhiều công việc… gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Vẫn còn có những diện tích chủ rừng chưa thực sự rõ ràng dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý;  nguy cơ xâm lấn, chuyển đổi trái phép rừng tự nhiên thành rừng trồng vẫn còn tiềm ẩn; diện tích quy hoạch là vùng trọng điểm cháy còn nhiều nhưng các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy còn ít so với yêu cầu thực tiễn; lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn nhiều nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Vẫn còn số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở và chủ rừng chỉ đạo công tác bảo vệ rừng chưa hiệu quả.

          Thế hệ Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh  hôm nay vô cùng tự hào và biết ơn các thế hệ cán bộ, công chức Kiểm lâm đi trước đã không ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm bám rừng để vững những mảnh rừng xanh cho quê hương, đất nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của thế  hệ cha anh đi trước, mỗi Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh sẽ tiếp tục nêu cao cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng lực lượng Kiểm lâm trong sạch vững mạnh toàn diện./.

 

Tác giả: Lê Kim Du – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh
Số lượt đọc : 285 - Cập nhật lần cuối: 17/04/2023 04:04:12 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành