Thanh tra pháp chế 21/04/2023:09:49:08
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật – giải pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa

          Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lực lượng Kiểm lâm đã được các thế hệ lãnh đạo Kiểm lâm Thanh Hóa quan tâm từ cuối những năm 1990 và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà nước ta đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đồng thời đang nỗ lực cùng các quốc gia, dân tộc khác đối phó với các thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phát thải carbon…, thì hoạt động bảo vệ và phát triển rừng ngày càng phải được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa; đòi hỏi có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, với chủ trương “không đánh đổi thiên nhiên để lấy tăng trưởng kinh tế”. Trong đó, lực lượng Kiểm lâm giữ vai trò tham mưu, nòng cốt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hơn lúc nào hết, Kiểm lâm phải là lực lượng tinh thông về pháp luật lâm nghiệp. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng pháp luật đang đặt ra nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.

          Thanh Hoá là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn 647.737,35 ha, tương đương 58,17% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Để bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng hiện có, đòi hỏi lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa phải có đầy đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, đặc biệt là năng lực thực thi pháp luật.

          Được thành lập ngày 15/11/1973, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Kiểm lâm Thanh Hoá đã từng bước trưởng thành cùng với sự lớn mạnh của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, Kiểm lâm Thanh Hoá tự hào đã đóng góp những thành tựu nổi bật vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững của quê hương: Thanh Hoá là một trong những tỉnh đầu tiên cơ bản hoàn thành công tác giao đất lâm nghiệp vào cuối những năm 90, làm cho rừng có chủ đích thực, tạo tiền đề để an ninh rừng ngày càng ổn định theo hướng bền vững; vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương với công tác quản lý, bảo vệ rừng từng bước được nâng cao; trách nhiệm của chủ rừng, cộng đồng dân cư ngày càng được coi trọng; sức mạnh tập thể của toàn hệ thống chính trị và nhân dân được khơi dậy. Từ một ngành lấy khai thác rừng là chính, lâm nghiệp dần có bước chuyển mình thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước được xã hội hoá. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm sâu qua các năm, các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái pháp luật dần bị xoá sổ.

         Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật, công chức, viên chức Kiểm lâm Thanh Hoá vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, nhất là trong lĩnh vực bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp và lĩnh vực đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm. Năng lực tham mưu cho chính quyền cơ sở của một bộ phận kiểm lâm viên công tác tại địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay; kỹ năng tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng còn hạn chế, nội dung tuyên truyền còn dàn trải; hình thức tuyên truyền vẫn mang nặng tính một chiều, “thầy nói, trò nghe, ghi” hầu như chưa có sự tương tác, đối thoại với người nghe; dẫn đến tại một số địa bàn, nhận thức của người dân, chính quyền cơ sở về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp chưa cao; vẫn còn các vụ vi phạm pháp luật nhưng không xác định được đối tượng, vụ việc đã ra quyết định xử phạt nhưng không được thi hành, nên tính răn đe còn hạn chế; việc thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính của một bộ phận kiểm lâm viên địa bàn, cán bộ pháp chế cơ sở còn nhiều thiếu sót; một số vụ việc khai thác rừng nhỏ lẻ vì mục đích gia dụng tại chỗ diễn ra trong thời gian dài, nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số cán bộ kiểm lâm vi phạm kỷ luật, kỷ cương đến mức phải bị xử lý kỷ luật… Đã có những công chức, viên chức kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác, khiến số người làm việc thiếu hụt nhiều so với biên chế được giao, khối lượng công việc ngày càng lớn, thách thức để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao càng thêm nặng nề.

          Những tồn tại, khó khăn nêu trên đặt ra yêu cầu tất yếu, khách quan là phải nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa. Trong số các giải pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật luôn chiếm vị trí trọng tâm và đóng vai trò then chốt. Nhận thức được điều này, hằng năm, lãnh đạo Chi cục đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xử lý vi phạm, tội phạm, kỹ năng thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính,… cho đối tượng là Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng, cán bộ phụ trách công tác pháp chế, tổng hợp, kiểm lâm viên công tác tại một số địa bàn trọng điểm. Ở các Hạt, Đội Kiểm lâm, Hạt trưởng là người chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức trong đơn vị. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở các đơn vị Kiểm lâm cơ sở chưa cao, việc triển khai thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu chỉ mang tính hình thức, phương pháp truyền đạt không có sự đổi mới, chưa liên hệ được giữa lý luận và thực tiễn, còn nặng tính lý thuyết, chưa chú trọng đào tạo kỹ năng, chưa khơi dậy được tinh thần sáng tạo, chủ động, tích cực của người học; việc đánh giá kết quả đào tạo mới chỉ dừng ở thống kê số lượng học viên tham gia, số lượng lớp học, chưa có nhiều đánh giá về kết quả tiếp thu, áp dụng sau đào tạo, bồi dưỡng.

          Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bảo đảm mỗi công chức, viên chức Kiểm lâm đều có phẩm chất đạo đức liêm chính, vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

          Một là, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị Kiểm lâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mà nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nhằm chuẩn hoá trình độ chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; bởi, một khi trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được giao cho người đứng đầu đơn vị, yêu cầu đặt ra đối với họ là phải vững chuyên môn, nghiệp vụ thì mới phổ biến, quán triệt được các nội dung kiến thức đến công chức, viên chức kiểm lâm trong đơn vị một cách có hiệu quả.

          Hai là, đổi mới phương pháp và nội dung truyền đạt. Nếu như trước đây, nội dung các bài giảng kiến thức pháp luật chủ yếu nặng về tính lý thuyết “một chiều”, tức là, báo cáo viên chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức cho học viên mà không có sự tương tác, trao đổi, thì trong giai đoạn hiện nay, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải được xây dựng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành, khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của học viên trong việc chia sẻ kinh nghiệm, vận dụng có hiệu quả kiến thức pháp luật đã học vào việc nhận diện, định hướng và giải quyết các tình huống thực tế có thể phát sinh trong quá trình thực thi công vụ.

          Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên. Cần kết hợp giữa đội ngũ báo cáo viên là cán bộ Kiểm lâm có kiến thức chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp với đội ngũ báo cáo viên chuyên về các lĩnh vưc khác có liên quan đến hoạt động thực thi công vụ của Kiểm lâm, như báo cáo viên thuộc Sở Tư pháp, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra, giảng viên của các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật,… Được giảng dạy bởi những báo cáo viên chất lượng cao này sẽ là cơ hội để công chức, viên chức Kiểm lâm tiếp thu những kiến thức lý luận chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn quý giá, từ đó, phát triển năng lực thực thi pháp luật của bản thân.

          Bốn là, quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những nhân tố trẻ, có tiềm năng để xây dựng đội ngũ kế cận trong tương lai; mạnh dạn giao nhiệm vụ chuyên môn, từng bước hướng dẫn, uốn nắn, tạo cơ hội để cán bộ trẻ được rèn luyện bản lĩnh, tích luỹ kinh nghiệm  nâng cao năng lực chuyên môn, học cách nhận định và xử lý tình huống, tiến tới đủ khả năng độc lập giải quyết vấn đề.

          Năm là, nâng cao tính tự học, tự rèn của công chức, viên chức Kiểm lâm. Những kiến thức pháp luật được tiếp thu thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng chỉ mang tính phổ quát và định hướng chung. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, mỗi công chức, viên chức Kiểm lâm phải phát huy tính chủ động, linh hoạt, nhằm tự hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cấp uỷ, thủ trưởng các đơn vị phải thường xuyên giáo dục cho đội ngũ cán bộ Kiểm lâm nhận thức đúng đắn về vai trò của việc tự học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện. Mỗi cá nhân cần phải xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự rèn cụ thể, rõ nội dung, mục tiêu, cách thức, thời gian hoàn thành công việc; thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới có liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách; rèn luyện cho bản thân thói quen nghiên cứu, nghiền ngẫm mỗi khi đọc một văn bản pháp luật, cần dẫn chiếu nó đến các văn bản khác có liên quan để hiểu sâu được bản chất vấn đề trong bối cảnh toàn thể, đồng thời, liên hệ quy định với tình huống thực tiễn trong quá trình thực thi pháp luật của bản thân.

          Sáu là, đổi mới hình thức đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Chuyển từ hình thức đánh giá mang tính “kiểm đếm” học viên, lớp học sang hình thức kiểm tra cuối khóa; lấy kết quả kiểm tra, kết hợp với kết quả áp dụng kiến thức vào thực tiễn trong quá trình thực thi công vụ trong khoảng thời gian 3-6 tháng sau khoá học làm thước đo để đánh giá chất lượng đào tạo. Kết quả này là một trong những cơ sở để bình xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn hằng năm của người học cũng như để định hướng nội dung, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm tới của cơ quan chịu trách nhiệm đào tạo.

          Các giải pháp trên đây là một thể thống nhất, đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, với sự tự giác, chủ động của từng cá nhân. Có như vậy, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới được đổi mới, năng lực thực thi pháp luật của công chức, viên chức Kiểm lâm mới được nâng cao, từng bước khẳng định vai trò và vị thế của lực lượng Kiểm lâm Thanh Hoá trong sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng./.

Số lượt đọc : 636 - Cập nhật lần cuối: 21/04/2023 09:04:08 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành