Bảo tồn thiên nhiên 20/04/2023:15:16:13
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CÁC KHU RỪNG ĐẶC DỤNG TỈNH THANH HÓA

          Thanh Hóa là tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, nơi giao thoa của 3 luồng di cư động thực vật chính: Luồng di cư từ phía Nam lên mang yếu tố Malaixia-Indonesia; Luồng từ Tây Bắc xuống, mang yếu tố vùng ôn đới Vân Nam - Quý Châu và dãy Himalaya; Luồng từ phía Tây và Tây Nam lại, mang yếu tố Indonesia - Malaysia của vùng khô hạn Ấn Độ - Miến Điện. Với vị trí đặc thù 3 miền (miền núi - trung du - đồng bằng ven biển) được thiên nhiên ban tặng nên Thanh Hóa có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Là tỉnh có 11 khu rừng đặc dụng,với diện tích 82.567 ha, bao gồm 02 Vườn Quốc gia (Bến En, Cúc Phương); 03 Khu BTTN (Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông), 02 Khu bảo tồn loài (Sến Tam Quy, các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động) và 04 khu rừng cảnh quan Di tích lịch sử, văn hóa (Lam Kinh, Bà Triệu, Hàm Rồng, Núi Trường Lệ).

         Các khu rừng đặc dụng có rất nhiều loài động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và trên thế giới. Hệ thực vật rừng, có 1.417 loài thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 22 loài nguy cấp quý hiếm nằm trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP, có 58 loài nằm trong Sách Đỏ IUCN, 2012, có 46 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, 2007. Điển hình của sự đa dạng hệ thực vật, như: quần thể cây Pơ mu, Sa mu hơn 1000 năm tuổi trên diện tích trên 5.000 ha tại khu BTTN Xuân Liên; quần thể Thông Pà cò, Dẻ tùng sọc trắng, Dẻ tùng Vân Nam, Kim giao tại khu BTTN Pù Luông; quần thể Lim xanh, Săng lẻ tại VQG Bến En; Lát hoa tại khu BTTN Pù Hu và các loài hạt trần nguyên sinh (Thông đỏ, Đỉnh tùng, Dẻ tùng sọc hẹp ...) tại khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động. Hệ động vật rừng, có 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ, 46 bộ, 4 lớp. Trong đó có 94 loài nguy cấp, quý, hiếm (gồm 28 loài thú, 35 loài chim, 15 loài bò sát, 6 loài lưỡng cư, 6 loài côn trùng, 4 loài cá); trong đó, có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu được ghi trong Sách Đỏ IUCN, 2012 (gồm 17 loài thú, 2 loài chim, 7 loài bò sát, 4 loài lưỡng cư, 4 loài cá); 56 loài ở mức đe doạ của Việt Nam được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, 2007 (gồm 25 loài thú, 5 loài chim, 13 loài bò sát, 3 loài lưỡng cư, 6 loài côn trùng, 4 loài cá) và 71 loài thuộc danh mục tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc trưng là các loài thú lớn, như Bò tót, Báo gấm, Beo lửa, Gấu ngựa…, tiếp đến các loài linh trưởng và các loài chim. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tại Khu BTTN Xuân Liên đã phát hiện loài Vượn đen má trắng với số lượng 64 đàn, 182 cá thể. Loài Voọc xám với số lượng 08 đàn, 224 cá thể và đặc biệt có loài Mang Roosevelt rất có giá trị cho khoa học và là những quần thể thú lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, Khu BTTN Xuân Liên đang lập hồ sơ đề xuất chuyển hạng lên Vườn Quốc gia Xuân Liên.

Hình ảnh loài Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

 Hình ảnh khu bảo tồn loài hạt trần quý hiếm Nam Động huyện Quan Hóa

          Từ những đặc điểm trên cho thấy, hệ thống rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, có tính ĐDSH cao và được coi là chiếc “ô xanh” trong phòng chống biến đổi khí hậu hiện nay. Đây là tiền đề tạo sự thịnh vượng cho tỉnh cũng như cộng đồng địa phương trong tương lai. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn nhiều việc phải làm, tình hình an ninh rừng chưa thực sự ổn định bền vững, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trong rừng đặc dụng mức độ nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra; giải quyết đất sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân vùng lõi, vùng đệm chưa dứt điểm; nguy cơ xâm lấn rừng đặc dụng còn tiềm ẩn cao; công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện các chương trình, dự án, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học chưa đi vào chuyên sâu; việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế chưa hiệu quả, cơ chế quản lý các khu rừng đặc dụng còn chồng chéo, bất cập, thiếu tính thống nhất..., nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các Ban quản lý rừng đặc dụng triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm công tác bảo tồn đa dạng sinh học đó là:

         Một là: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương (huyện, xã) và các cơ quan chức năng, các đoàn thể, các đơn vị trên địa bàn triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ an toàn diện tích rừng đặc dụng hiện có, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các loài động thực vật, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong hoạt động bảo tồn ĐDSH hiện nay. Tăng cường tuần tra, kiểm tra an ninh rừng tại gốc, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn rừng đặc dụng, chăn thả gia súc, săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

         Hai là: Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ Phương án bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, giai đoạn 2021-2030 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Chủ động, xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tìm kiếm nguồn vốn, đối tác tin cậy, kêu gọi đầu tư để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ được phê duyệt. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, ưu tiên cho các Doamh nghiệp thuê môi trường rừng để đầu tư phát triển du lịch sinh thái.

         Ba là: Tạo lập cơ chế quản lý hợp lý và thống nhất giữa các ngành, các cấp trong quản lý hệ thống các khu rừng đặc dụng, từ chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ đến cấp kinh phí, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, xử lý vi phạm…, gắn trách nhiệm cụ thể cho một đơn vị quản lý và định hướng công tác bảo tồn ĐDSH cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, tạo bản sắc riêng trong hoạt động bảo tồn  tỉnh Thanh Hóa.

         Bốn là: Thực hiện đồng bộ các chính sách của trung ương, địa phương nâng cao đời sống người dân trong vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng. Chú trọng triển khai, tạo lập cơ chế đầu tư để thực hiện đầy đủ nội dung Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách về khoán bảo vệ rừng đặc dụng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tăng cường hợp tác quốc tế "về lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên". Xây dựng chính sách đồng quản lý, chia sẻ lợi ích đảm bảo người dân sống trong và vùng đệm các khu rừng đặc dụng được tạo điều kiện cùng tham gia, cùng bảo vệ và được hỗ trợ để phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho họ và cộng đồng. Đấu mối với các Bộ, Ngành, Văn phòng Chính phủ giải quyết dứt điểm cắt chuyển 368,4 ha đất VQG Bến En đang quản lý giao lại cho nhân dân 9 thôn, 3 xã ổn định cuộc sống.

         Năm là: Tập trung triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả các nội dung, hoạt động của các chương trình, dự án, đề án, đề tài nghiên cứu đã có. Tăng cường đấu mối, xây dựng, trình duyệt các chương trình, dự án, đề án, đề tài nghiên cứu mới theo hướng đánh giá đầy đủ về các mặt đa dạng sinh học nhất là các loài động thực vật rừng quý hiếm, đặc hữu, các hệ sinh thái ưu hợp, điển hình tiến tới tạo hành lang kết nối đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng. Thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin vào hồ sơ quản lý tiểu khu, thu thập hệ thống mẫu vật động thực vật phục vụ quảng bá, tham quan, học tập.

         Sáu là: Tăng cường đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi, tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn để phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng bảo tồn cho cán bộ và nhân dân sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng. Xây dựng và tổ chức đưa cán bộ đi đào tạo sau đại học, học ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tại các khu rừng đặc dụng./. 

Tác giả: Trịnh Quang Tuấn - Trưởng phòng BTTN - Chi cục Kiểm lâm Chi cục Kiểm lâm
Số lượt đọc : 479 - Cập nhật lần cuối: 20/04/2023 03:04:13 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành