Ngày 19/8/2024, tại Văn phòng Chi cục, Chi cục Kiểm lâm tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn, thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư do Phó Chi cục trưởng Vũ Văn Vân chủ trì; tham gia Hội nghị có lãnh đạo phòng BTTN, Đội trưởng Đội KLCĐ&PCCCR số 1, Hạt trưởng các Hạt Kiểm lâm: TX. Nghi Sơn, TP. Thanh Hóa, Ven Biển, Nông Cống, Hà Trung, Thọ Xuân và cán bộ tham mưu các phòng, đơn vị.
Sau khi nghe Trưởng phòng BTTN Trịnh Quang Tuấn báo cáo, đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư từ đầu năm đến nay và kết quả kiểm tra các địa bàn: Thành phố Sầm Sơn, huyện Quảng Xương, Thị xã Nghi Sơn, huyện Nông Cống đã xuất hiện tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim, sử dụng cò giả, cò xốp; trên cơ sở ý kiến thảo luận, thống nhất của Lãnh đạo các đơn vị về các biện pháp quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư; Phó Chi cục trưởng Vũ Văn Vân kết luận như sau:
1. Về quan điểm chỉ đạo thực hiện
- Tập trung xử lý dứt điểm, triệt để các hành vi giăng lưới, sử dụng bẫy, cò giả, chim mồi, loa dẫn dụ chim tại các cánh đồng, các trục đường; mua bán, vận chuyển chim hoang dã trái pháp luật trên địa bàn TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, TX. Nghi Sơn, các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nông Cống, Thọ Xuân, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn.
- Hạt trưởng Kiểm lâm làm tốt công tác tham mưu các huyện, thị xã, Thành phố về công tác quản lý, bảo vệ chim hoang dã trên địa bàn; chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ chim hoang dã trên địa bàn; lực lượng Kiểm lâm các Hạt làm nòng cốt, chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn ngăn chặn xử lý hiệu quả các hành vi săn, bẫy bắt, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng chim hoang dã trái pháp luật.
2. Về nhiệm vụ, giải pháp
2.1. Công tác tham mưu: Tiếp tục tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Kiểm lâm về công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn chim hoang dã, di cư. Rà soát và bổ sung hệ thống văn bản tại các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành, rõ nhiệm vụ, rõ việc, rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từ huyện đến cơ sở, để triển khai thực hiện có hiệu quả về quản lý bảo vệ chim hoang dã, di cư trên địa bàn. Tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn, phân công rõ trách nhiệm UBND các xã, phường, thị trấn và thành lập BCĐ cấp huyện, xã (nếu cần thiết) thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư; lực lượng Kiểm lâm chủ trì phối hợp các lực lượng trên địa bàn Kiểm tra, đôn đốc tham mưu giúp các huyện, thị xã, thành phố xử lý nghiệm theo quy định pháp luật.
2.2. Công tác tuyên truyền
- Phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp huyện thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền; chú trọng hình thức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã/thôn, tuyên truyền lưu động trên các địa bàn, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm để cán bộ, nhân dân có nhận thức trực quan, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
- Phối hợp với các cơ quan báo chí để viết bài, đưa tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan, các nhiệm vụ, giải pháp và những kết quả, hiệu quả của hoạt động quản lý, bảo vệ chim hoang dã, di cư trên địa bàn.
- Thống kê, rà soát, nhận diện các đối tượng thường xuyên vi phạm, có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn để tổ chức tuyên truyền vận động, ký cam kết không vi phạm và thực hiện việc quản lý đối tượng.
2.3. Công tác tuần tra, kiểm soát
Các Hạt Kiểm lâm huyện, liên huyện báo cáo với UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an, Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường, khu vực đồng ruộng, ao hồ, phát hiện kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có), như: các dụng cụ, loa phát âm thanh dẫn dụ chim, chim mồi, chim cò giả, lưới bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư… Kiên quyết không để tái diễn trên địa bàn, gây dư luận xấu trong nhân dân.
2.4. Công tác xử lý vi phạm
- Nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, thiết lập hồ sơ xử lý chặt chẽ theo quy định, tổ chức điều tra, xác minh đối tượng, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo đúng thẩm quyền của cơ quan chức năng. Nếu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, thì tiến hành bàn giao cho Chủ tịch UBND cấp xã xử lý; nếu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện thì tiến hành tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý theo quy định.
- Biện pháp thực hiện xử lý nghiêm minh quyết liệt, triệt để, đồng bộ đúng pháp luật, không bỏ qua đối tượng vi phạm và địa bàn xảy ra; kiên quyết không để xảy ra tái diễn vi phạm trên địa bàn.
Để đảm bảo việc tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung nêu trên, Phó Chi cục trưởng Vũ Văn Vân giao nhiệm vụ:
- Giao các Hạt Kiểm lâm chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 để quản lý, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư có hiệu quả; phòng ngừa ngăn chặn, kịp thời xử lý các vi phạm xảy ra trên địa bàn. Kiên quyết trên địa bàn không để tình trạng sử dụng dụng cụ, loa phát âm thanh dẫn dụ chim, chim mồi, chim cò giả, giăng lưới bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư … trái pháp luật.
- Giao Phòng BTTN chủ trì, phối hợp với Đội KLCĐ&PCCCR số 1 thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin các địa bàn để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Chi cục trong công tác chỉ đạo, điều hành; theo dõi, đề xuất biểu dương, thi đua khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt; đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời đơn vị làm chưa tốt./.