Tin tức - Sự kiện 26/04/2023:17:42:17
Lan tỏa “tình yêu rừng” đến cộng đồng
Khi đến xã Thanh Tân hỏi đến ông Lê Huy Thục không ai là không biết, chính quyền và người dân nơi đây kính phục ông là một con người biết vượt qua chính mình, khắc phục khó khăn, có trách nhiệm cao trong bảo vệ phát triển vốn rừng trên chính khu rừng được nhà nước giao cho gia đình quản lý bảo vệ; nếu không có “tình yêu rừng”, gắng bó với rừng thì con người bình thường ấy không thể làm được một việc phi thường như một “người hùng giữ rừng”

         Sinh ra tại miền quê biển Quảng Tiến, huyện Quảng Xương, nay là thành phố Sầm Sơn, năm 1962 lúc ấy ông 15 tuổi, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển các vùng kinh tế mới, ông đã theo cha mẹ đi khai hoang, lập nghiệp, xây dựng kinh tế tại xã Thanh Tân nghèo khó. Thuở ấy, vùng đất Thanh Tân, Thanh Kỳ còn là nơi rừng thiêng, nước độc, đường giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, đời sống sinh hoạt đều tự cung tự cấp, đối với người dân chỉ quen việc đi biển chài lưới đến lập nghiệp tại miền sơn cước, mưu sinh cuộc sống dựa vào rừng, rất nhiều khó khăn vất vả, lâu dần thành quen và cũng từ đó mảnh đất Thanh Tân là quê hương thứ hai của ông; rồi ông lấy vợ xây dựng gia đình và lần lượt vợ ông sinh được 08 người con (bốn trai và bốn gái), mười miệng ăn trong nhà, khó khăn chồng chất khó khăn.. Năm 1997, gia đình ông Lê Huy Thục được Nhà nước giao 13ha rừng sản xuất theo Nghị định 02, trong đó có gần 05ha ngay gần nhà chỉ có cây sim, mua lau lách và hơn 8ha đất rừng tự nhiên nghèo kiệt các cây gỗ lớn đã bị chặt hạ chỉ còn thưa thớt một số cây Lim xanh loại nhỏ và cây tái sinh tự nhiên; vợ chồng ông Thục hết sức trăn trở khi người dân trong thôn đã phát dọn, chặt bỏ hết rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng cây Keo. Tuy nhiên, vợ chồng ông đã bàn bạc và thống nhất sử dụng gần 05ha đất chưa có rừng ở gần nhà để trồng cây sắn, cây Luồng và Keo với mục đích khắc phục khó khăn, lấy ngắn nuôi dài và không để cho các con bị đói; còn lại hơn 08ha rừng tự nhiên nghèo kiệt ông quyết tâm bảo vệ, khoanh nuôi khôi phục vốn rừng.. như thế, một kế hoạch dài hơi đã được đặt ra, để thực hiện điều ấy, vợ chồng ông phải chấp nhận những khó khăn về kinh tế, mặc cho nhiều lời bàn tán, mỉa mai cho bác là “gàn dở” vì chăm sóc rừng Lim tái sinh thì đến lúc nào mới có thu nhập.. theo suy nghĩ của ông, rừng Keo thì có thể chặt đi rồi trồng lại, còn nếu chặt phá rừng Lim này thì không còn cơ hội để phục hồi lại rừng tự nhiên, vì vậy ông quyết tâm giữ lại.. Ông bàn với vợ, lo sản xuất nông nghiệp là trồng lúa, chăn nuôi, chăm sóc rừng Luồng để làm nguồn kinh tế chính; còn phần mình, hàng ngày ông cùng các con lớn thay nhau đi tuần tra bảo vệ rừng, không để cho kẻ xấu chặt phá, ăn cắp gỗ, rồi cùng các con bứng những cây Lim nhỏ ở những nơi có mật độ dày đem trồng ở những chỗ đất trống thưa cây, phát luỗng, chăm sóc, tỉa cành để tạo không gian cho cây phát triển, công việc bảo vệ và khoanh nuôi rừng hàng ngày vẫn diễn ra lặp đi lặp lại. Bởi ông luôn tâm niệm, “trời sẽ không phụ công người” với niềm tin khu rừng sẽ xanh tốt trở lại..

         Mặc dù tuổi đã cao, nhưng khi chúng tôi những Kiểm lâm viên làm việc tại địa bàn xã Thanh Tân đến thăm và cùng ông đi kiểm tra an ninh rừng, ông đã đưa chúng tôi lên rừng theo lối đi quen mỗi khi thăm rừng, điểm xuất phát từ nhà, đi bộ chừng hai chục phút là lên đến rừng Lim, theo lối mòn chạy quanh co trong rừng, khi chui qua tán rừng rậm rạp, lúc lội qua suối nhỏ, lúc lại ngược lên con dốc, trên tuyến đi có rất nhiều cây lim hàng chục năm tuổi, thân, cành bám nhiều rêu mốc.. ông cầm cây dao rựa đi trước, nhìn bước đi thoăn thoắt, chắc chắn, không ai nghĩ ông đã ngoài tuổi 75, đang đi gặp những cây chen lối đi hay những cây bụi dại là ông phát dọn cho rừng thoáng hơn, để lại giữa đám cây lá bị chặt là cây lim non vươn cành xanh tốt, vừa đi ông vừa nói vui “đây là cách chăm sóc rừng kết hợp với tuần tra bảo vệ rừng của tôi”.. Sau một hồi tuần rừng cũng đã thấm mệt, ông đưa chúng tôi đến nơi có phiến đá lớn bên cạnh suối để nghỉ chân, phút nghỉ ngơi là lúc bộc bạch tâm sự hết nỗi lòng về cơ duyên đến với nghề rừng, rồi đất không phụ công người cho thành quả ngày hôm nay gia đình ông giữ được cánh rừng như đã mơ ước, một khu rừng tự nhiên có diện tích trên 8ha, loài cây chiếm ưu thế trong khu rừng là loài cây Lim xanh (Lim xanh có tên địa phương là Thiết Lim, là cây lâm nghiệp đặc trưng bản địa của tỉnh Thanh Hóa); mật độ cây trong khu rừng tương đối dày, đủ các cấp tuổi từ cây con vừa tái sinh cho đến cây trưởng thành có đường kính 50, 60cm; xung quanh bốn phía là vườn cây ăn quả là rừng luồng, rừng keo; nhưng, đằng sau những rừng luồng, rừng keo ấy.. có một lô rừng Lim xanh tự nhiên đang sinh trưởng, phát triển xanh tốt.

         Không biết tự bao giờ, “tình yêu rừng” đã ngấm vào máu thịt của ông, cả cuộc đời gắng bó với rừng, thầm lặng chăm sóc bảo vệ rừng không biết mệt mỏi trên quê hương thứ 2 của mình; việc làm của ông đã góp phần khơi dậy, có sức lan tỏa trong cộng đồng về “tình yêu rừng – việc tử tế” và kết quả đến ngày hôm nay cánh rừng do ông và các con chăm sóc bảo vệ đã xanh tốt, phát triển bền vừng; ông Lê Huy Thục đã từng nói “tôi chỉ có một suy nghĩ là dù mình nghèo đói, nhưng còn rừng là còn tất cả”./.

 

Tác giả: Lê Thị Tâm – Kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh
Số lượt đọc : 514 - Cập nhật lần cuối: 26/04/2023 05:04:17 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành