Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được giao quản lý diện tích 23.816,23 ha rừng đặc dụng và 912,37 ha rừng sản xuất, cách Thành phố Thanh Hoá 65 km, là khu vực chuyển tiếp giữa 2 vùng sinh thái Tây Bắc và Bắc Trung bộ nên có tính đa dạng sinh học rất cao, trong đó có trên 5.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật quý hiếm cổ thụ hàng ngàn năm tuổi cần được bảo vệ và bảo tồn phát triển nguồn gen, điển hình có 2 quần thể loài là Pơ mu và Sa Mu được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Rừng đặc dụng Xuân Liên hiện ghi nhận 1.228 loài thực vật bậc cao, có 56 loài thực vật quý hiếm. Khu hệ động vật đã ghi nhận tổng số 1.811 loài động vật hoang dã, có 94 loài động vật quý hiếm. Các loài động thực vật quý hiếm đều thuộc các danh mục như sách đỏ Việt Nam 2007, danh lục IUCN, NĐ 84/2021/NĐ-CP và Cites. Điển hình như loài Pơ mu, Sa mộc dầu, Vù hương, Sến mật, lan Hài lông, lan Hài vân bắc, đặc biệt xác định quần thể loài Vượn đen má trắng với 62 đàn/200 cá thể, là khu vực có phân bố lớn, quan trọng nhất Việt Nam hiện nay (thông tin được đăng trên Tạp chí Khám phá Discover Magazine, năm 2020), loài Voọc Xám với trên 224 cá thể, các loài khỉ, loài Culi... xác định sự tồn tại của loài “Mang Roosevelt” được coi là tuyệt chủng trên thế giới từ năm 1929 chính là loài mang Pù hoạt (thông tin được đăng trên tạp chí Springer Conservation Genet 2014 15:993–999). Rừng Xuân Liên còn có vai trò dặc biệt quan trọng cho phòng hộ đầu nguồn thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt, cung cấp nước sinh hoạt cho Thành phố Thanh Hóa và nước tưới cho trên 86.000ha lúa nước và phục vụ công nghiệp cho vùng hạ du của Tỉnh
Cây Sa mộc dầu 1.500 năm tuổi được xếp hạng cây di sản Việt Nam.
Khu BTTN Xuân Liên còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, với nhiều thác nước, nhiều hang động và lòng hồ rộng lớn 3.300 ha, cùng với những thửa ruộng bậc thang, bản săc văn hóa dân tộc của người Thái, Mường và danh lam thắng cảnh danh nhân đền Cầm Bá Thước, bà chúa thượng ngàn, Hội thề Lũng Nhai,.. đã tạo cho Khu BTTN Xuân Liên có những nét đẹp độc đáo riêng, thu hút sự quan tâm của du khác và nhà đầu tư.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trong những năm qua Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp nghiên cứu khoa học đóng vai quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện có, kết quả được thể hiện như:
Công tác quản lý, bảo tồn các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:
Trong những năm qua Khu bảo tồn đã triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn các loài thực vật quý hiếm như: Xác định được sự phân bố, đặc điểm sinh vật học, sinh thái học, tái sinh và đưa ra các giải pháp bảo tồn nội vi (insitu) và bảo tồn ngoại vi (Ex situ) đối với các loài Hạt trần, các loài Re hương, Sến mật, Bách Xanh, Vù hương, Re gừng, các loài trong họ Ngọc Lan,… Điều tra 85 loài Lan, bảo tồn nguồn giống gốc 3 loài Lan quý: Lan Hài vân bắc, lan Hài lông và lan Thủy tiên hường, đặc biệt đã nhân giống thành công đầu tiên bằng Invitro tại Việt Nam đối với loài lan Hài vân bắc và lan Hài long (Tạp chí Nông nghiệp và PTNT-Kỳ 1-tháng 11/2018) và Lan Thủy Tiên Hường (Tạp chí Nông nghiệp và PTNT-Kỳ 1-tháng 10/2019). Nhân giống bằng phương pháp giâm hom và ghép chồi đối với loài Giổi ăn hạt, loài dược liệu Na rừng, nhân giống thành công các loài cây bản địa cho trồng rừng gỗ lớn Ràng ràng mít, Mỡ, Vạng trứng,... phục vụ công tác bảo tồn và nhân rộng phát triển cho nhân dân vùng đệm.
Nhân giống bảo tồn và phát triển 03 loài lan thuộc đề tài cấp Nhà nước
Thông qua hoạt động điều tra, bảo tồn hệ thực vật, Khu BTTN Xuân Liên cùng với các nhà khoa học đã phát hiện 06 loài mới cho khoa học, trong đó 03 loài đặc hữu chỉ có tại Xuân Liên; 01 loài đặc hữu của khu vực Trung Bộ và 02 loài đặc hữu của Việt Nam, gồm loài: (1) Mộc hương xuân liên (Aristolochia xuanlienensis) thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae) (NGUYEN THI THANH HUONG et al. 2014); (2) Sồi Xuân Liên (Quercus xuanlienensis) - loài đặc hữu của Xuân Liên (Carrero, C. 2021; Binh, H.T, 2018); (3) Thiên lý Xuân Liên (Jasminanthes xuanlienensis) (Tran The Bach et al. 2016); (4) Chè hoa vàng trái mỏng (Camellia pleurocarpa) (Rivers, 2018); (5) Chè hoa vàng Trung bộ (Camellia annamensis) (Sam Ngoc Ly et al. 2022) ; (6) Loài Giác đế bân (Goniothalamus banii Quang et all) thuộc họ Na (Annonaceace) (Bui Hong Quang et al. 2016).
Phát hiện Ba (03) loài mới chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam đó là: Loài Lữ đằng đứng (Lindernia megaphylla P.C), Thuỷ thảo trắng (Kailarsenia lineata R.Br), Song quả lá bắc tím (Didymocarpus pupureobracteatus Smith).
Công tác bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:
Kết quả triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bảo tồn các loài động vật tại Khu BTTN Xuân Liên đã có nhiều công bố quan trọng: Công bố giám sát loài Vượn đen má trắng tại Xuân Liên năm 2020 so với năm 2013 tăng từ 41 đàn/129 cá thể lên 62 đàn/200 cá thể, được xác định là khu vực có phân bố lớn nhất Việt Nam hiện nay (thông tin được đăng trên Tạp chí Khám phá Discover Magazine, năm 2020); Xác định được 8 đàn Voọc xám với số lượng cá thể đến 224 cá thể; xác định sự phân bố của 4 loài khỉ thuộc giống Macaca gồm: Khỉ vàng (Macaca mulatta), Khỉ mốc (Macaca assamensis), Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina); Ghi nhận sự phân bố của 2 loài Cu li thuộc giống Nycticebus gồm: Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) và Cu li lớn (Nycticebus bengalensis). Điều tra sự phân bố và thực hiện công tác bảo tồn nội vi (insitu) và bảo tồn ngoại vi (Ex situ) đối với 5 loài Rùa gồm: Rùa đầu to, Rùa hộp trán vàng miền bắc, Rùa đất tam đảo, Rùa bốn mắt, Rùa sa nhân; và 05 loài Cầy: Cầy mực, Cầy giông, Cầy hương, Cầy vằn bắc, Cầy vòi mốc. Điều tra nghiên cứu ghi nhận 252 loài chim thuộc 55 họ, 17 bộ. Xác định có 10 loài chim quý, hiếm có giá trị bảo tồn như loài Gà tiền mặt vàng (Lophura nycthemera), Vẹt ngực đỏ (Psittacula alexandri), Hồng hoàng (Buceros bicornis).
Voọc xám (Trachypithecus crepusculus)
Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys)
Một trong những nghiên cứu được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đó là xác định sự phân bố của 2 loài Mang tại Xuân Liên gồm: Mang pù hoạt (Muntiacus puhoatensis) và Mang thường (Muntiacus muntjak). Kết quả phân tích các mẫu ADN đã xác định loài Mang lào (Muntiacus rooseveltorum) và Mang pù hoạt là một loài, đã được công bố tuyệt chủng cách đây gần 100 năm tại Lào kể từ năm 1929 (thông tin được đăng trên tạp chí Springer Conservation Genet 2014 15:993–999); và loài Rắn hổ mây Xuân Liên (Pareas geminatus), thuộc họ Rắn hổ mây (Pareidea).
Kết quả điều tra, nghiên cứu bảo tồn được công bố trên các tạp chí khoa học của Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao giá trị, vị thế của Khu bảo tồn ở trong nước và quốc tế; tạo nền tảng gắn kết, đưa hoạt động bảo tồn thiên nhiên của Đơn vị từng bước ổn định và phát triển bền vững.
Bên cạnh những hoạt động điều tra, nghiên cứu động, thực vật phục vụ công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên. Khu BTTN Xuân Liên là Đơn vị duy nhất trong Tỉnh và đi đầu trong cả nước trong việc ứng dụng thành công hệ thống GPS-Photo Link để quản lý, giám sát cây cổ thụ quý hiếm trong khu bảo tồn bằng phần mềm và trên Website của khu bảo tồn. Ứng dụng phần mềm Smart phone, GPS, Mapinfor, có hình ảnh trực quan gắn với định vị tọa độ trên bản đồ và tích hợp thông tin dữ liệu trong bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART). Việc ứng dụng phần mềm góp phần quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và công tác chỉ đạo điều hành của Đơn vị.
Có thể nói, hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian qua có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ an toàn, nguyên vẹn tài nguyên rừng hiện có, giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của Đơn vị đạt hiệu quả cao, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn; nhận thức, trách nhiệm của cồng đồng và chính quyền vùng đệm được nâng lên./.