SD&PT rừng 20/04/2023:14:27:52
CÂY LUỒNG XỨ THANH VÀ NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

          Cây Luồng là cây lâm nghiệp “bản địa, truyền thống” đã gắn bó hàng trăm năm nay với đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của đồng bào các dân tộc miền núi. Là loài cây dễ trồng, trồng một lần, thu nhiều năm; cùng với đó các sản phẩm từ luồng rất phong phú: Có thể dùng làm vật liệu xây dựng, gia dụng, làm ván ép, ván dăm, làm tăm mành, đũa xuất khẩu, làm đồ trang trí mỹ nghệ trong gia đình, làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, nguyên liệu cho công nghiệp hóa lâm sản, phế liệu luồng đốt làm than hoạt tính; ngoài ra có thể tận dụng măng Luồng để làm thực phẩm và chiết xuất làm thuốc chữa bệnh... Do đó, Cây luồng được xác định là loại cây mũi nhọn kinh tế, là cây xóa đói giảm nghèo, sinh kế chính, tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía Tây Thanh Hóa; đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới của địa phương; ngoài ra, rừng luồng còn có giá trị phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn và lưu giữ khí cac-bon (khí nhà kính) bảo vệ môi trường.

          Trải qua bao thăng trầm, cây luồng vẫn bám rễ, vươn mình mạnh mẽ, thủy chung và đã trở thành nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa. Từ những thập niên 70, 80 của Thế kỷ XX, các huyện, xã, làng, bản miền núi xứ Thanh đã thường xuyên tổ chức các Hội thi Luồng. Cố Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Hà Văn Ban với niềm cảm hứng đã sáng tác bài hát “Hội thi Luồng” nhằm cổ vũ, động viên phong trào trồng Luồng của bà con các dân tộc. Vào năm 1969, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm phong trào trồng Luồng tại xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc. Từ đó diện tích rừng luồng của tỉnh đã không ngừng tăng lên từ 11.795 ha năm 1972 lên 50.000 ha năm 2000, đến năm 2022 là 78.000 ha.

          Tuy nhiên, quá trình phát triển rừng Luồng giai đoạn 1990-2010, cây Luồng đã bộc lộ nhiều bất cập. Việc trồng luồng ở những khu vực có độ dốc lớn, địa hình phức tạp, đất đai cằn cỗi, tỷ lệ đá lẫn cao; nguồn giống trồng Luồng chưa đảm bảo chất lượng; khai thác lạm dụng, quá mức, không đúng quy trình kỹ thuật; các cây sâu bệnh, cụt ngọn, còi cọc không được chặt bỏ, dây leo cỏ dại lấn át, không gian dinh dưỡng bị hạn chế, ảnh hưởng đến sinh trưởng của luồng; tập quán canh tác vốn đã “ăn sâu bén rễ” nên người dân cơ bản chỉ khai thác luồng thậm chí khai thác cả luồng non mà bỏ bẵng đi nhiệm vụ chăm sóc, thâm canh, khai thác cả cây thân gỗ có tác dụng là cây tựa trong rừng Luồng,…dẫn đến đất đai bị thoái hóa bạc màu, nhiều diện tích rừng luồng rơi vào tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng, năng suất, chất lượng rừng suy giảm.

          Trước thực trạng trên, để vực dậy, lấy lại vị thế cho loài cây bản địa của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch, Kế hoạch, Chính sách nhằm phát huy hiệu quả, lợi thế hướng đến phát triển bền vững rừng Luồng:

          (1) Phê duyệt Quy hoạch vùng thâm canh Luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2011-2020 tại Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 23/02/2012. Theo đó, đặt mục tiêu Quy hoạch đến năm 2015: Vùng thâm canh Luồng tập trung có quy mô 29.982 ha, chiếm 42,2% tổng diện tích Luồng toàn tỉnh; năng suất đạt 3600 cây/ha trở lên; trữ lượng rừng Luồng đạt 205 triệu cây; sản lượng rừng Luồng đạt khoảng 62 triệu cây; giá trị xuất khẩu Luồng đến năm 2015 ước đạt khoảng 45 triệu USD. Đến năm 2020: ổn định và phát triển bền vững diện tích vùng thâm canh Luồng tập trung; đưa năng suất rừng Luồng đạt 4000 cây/ha. Trữ lượng rừng Luồng đạt 459 triệu cây; sản lượng rừng Luồng đạt khoảng 138 triệu cây; giá trị xuất khẩu Luồng đến năm 2020 ước tính đạt trên 100 triệu USD.

          (2) Ban hành chính sách hỗ trợ thâm canh rừng Luồng thâm canh tại Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh; theo đó: Hỗ trợ phân bón vào năm thứ nhất và năm thứ hai thực hiện thâm canh rừng Luồng, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/năm. Kết quả trong giai đoạn 2016-2021, tổng diện tích rừng luồng kém chất lượng được phục tráng thâm canh là 15.695 ha.

          (3) Phê duyệt Kế hoạch phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 24/02/2016; đặt mục tiêu phát triển và quản lý bền vững rừng tre luồng, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho ngành tre luồng và đời sống người dân vùng tre luồng.

          (4) Ban hành Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025 (Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh); theo đó: Hỗ trợ chi phí mua phân với mức hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm đầu thực hiện thâm canh rừng Luồng. Kết quả trong năm 2022, diện tích rừng luồng kém chất lượng được phục tráng thâm canh 5.130 ha.

          Qua việc thực hiện các Quy hoạch, Kế hoạch, Chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh cơ bản đã làm thay đổi nhận thức của người dân trồng luồng, thay đổi từ tập quán canh tác quảng canh sang thâm canh, bón phân chăm sóc, qua đó năng suất, chất lượng rừng luồng được cải thiện, nâng cao giá trị cây Luồng, thu nhập bình quân hàng năm của người dân trồng Luồng đạt 7 - 9 triệu đồng/ha, gấp 1,5 - 2 lần so với hình thức quảng canh trước đây. Diện tích vùng luồng thâm canh trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 37.845 ha ha, tập trung trên địa bàn 07 huyện (Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy), cây luồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn so với phương thức trước đây.

          Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành chuỗi giá trị, liên doanh, liên kết trong sản xuất và được triển khai có hiệu quả, tuy nhiên mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với hiện trạng rừng luồng, cụ thể: có 02 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cấp chứng chỉ FSC cho rừng tre, luồng (5.414,6 ha được cấp FSC): Công ty cổ phần Ngọc Sơn với nhóm hộ huyện Quan Sơn (69 hộ/3.045 ha rừng luồng, vầu); Công ty cổ phần BWG Mai Châu với nhóm hộ huyện Quan Hóa (545 hộ/2.369,6 ha rừng luồng).

          Tuy nhiên, cây Luồng tỉnh Thanh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Để phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng rừng Luồng, ngành Lâm nghiệp cần phải đặt ra các giải pháp trọng tâm sau:

          Một là, tăng cường sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc phát triển vùng nguyên liệu tre luồng.

          Hai là, điều tra, đánh giá hiện trạng, chất lượng rừng Luồng để có cái nhìn tổng thể về cây Luồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đề xuất các giải pháp phù hợp cho từng vùng trồng luồng nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị cây Luồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường

          Ba là, nghiên cứu trồng thử nghiệm các loại giống Luồng mới có năng suất, chất lượng để đánh giá hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng.

          Bốn là, quản lý và phát triển bền vững rừng tre luồng trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đặc tính sinh thái, điều kiện lập địa, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng.

          Năm là, thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng FSC, gắn chế biến với xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị cây tre luồng.

         Sáu là, đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết giữa nông dân-HTX-Doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá sản phẩm.

          Bảy là, tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ hiện đại, sản xuất quy mô lớn, chế biến sâu, gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm; hạn chế việc chế biến thô giá trị thấp.

          Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân, chắc chắn rừng Luồng Thanh Hóa sẽ tiếp tục trên đà phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, để cho tiếng trống Hội thi luồng lại mãi ngân lên trên những bản vùng cao./.

Tác giả: Lê Văn Mơn - Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
Số lượt đọc : 489 - Cập nhật lần cuối: 20/04/2023 02:04:52 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành