Biếc nẻo xuân sang
(Bút ký)
Ai về Như Xuân, ai lên Bá Thước
Ai xuôi ai ngược qua dốc Cổng Trời
Đường chiều rừng núi chơi vơi
Vẳng nghe câu hát ngang trời cánh xuân.
Câu hát của người em gái cứ ngân vang tha thiết mãi trong tôi khi một chiều cuối năm chúng tôi đi kiểm tra công tác bảo vệ rừng mấy huyện miền Tây Bắc của tỉnh. Một năm đã qua đi, lộc xuân đã bắt đầu khai nhú, dọc những nẻo đường rừng xa mờ biêng biếc một giải biên cương hùng vĩ. Một sự hưng phấn bừng lên bất chợt, anh bạn công tác ở UBND tỉnh thốt lên: “Anh Tiến, rừng năm nay sao mà xanh quá thế!”
Phải. Đó là lời ngợi khen thật sự, và chúng tôi, những người trong cuộc cũng xứng đáng được nhận những lời như thế khi nhìn lại một năm phấn đấu gian khổ và quyết liệt vì sự bình yên của những cánh rừng già.
Nhớ lại cách đây hơn 1 tháng, vào một buổi tối mùa đông, tôi đi kiểm tra Trạm chốt Xuân Quỳ thuộc huyện Như Xuân. Hôm đó gió bắc thổi mạnh, trời mưa lâm thâm, rét cắt da cắt thịt. Tất cả chúng tôi đi bộ dọc theo con đường rừng lồi lõm, và cảm nhận hết được cái thần thái của 2 câu thơ Đường trong bài “Hoàng hôn” của Bác: “Phong như lợi kiếm ma sơn thạch/ Hàn tự tiêm phong thích thụ chi” (Gió sắc tựa gươm mài đá núi/ Rét như dùi nhọn chích cành cây). Còn cách Trạm chừng 300m đã thấy lấp ló một ánh đèn dầu. Đó là chiếc đèn bão của Trạm treo ngang cần Barie. Trạm Xuân Quỳ đứng giữa 4 bề rừng núi mênh mông và đêm xuống càng thêm vẻ thâm u hoang vắng. Dù không được báo trước nhưng anh em Kiểm lâm trong Trạm cùng đồng chí Công an khu vực vẫn trực đêm đầy đủ. Dưới ánh đèn tọa đăng khi sáng khi tối, Trạm trưởng báo cáo với đoàn tình hình bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Như Xuân 3 năm về trước là một địa bàn rất nóng. Riêng năm 2002 lâm tặc từ phía Nghệ An khai thác vào rừng Thanh Hóa rải rác quanh năm mấy trăm mét khối gỗ. Rừng đã giao đến dân đến xã, nhưng để mất rừng thì Kiểm lâm vẫn chịu kỷ luật, có anh bị hạ bậc lương – Nhớ lại chuyện đã qua, buồn lắm. Bây giờ đã khác hẳn, Như Xuân không còn điểm nóng, không còn vùng lõm nữa. Tôi hỏi bí quyết là gì, Trạm trưởng thẳng thắn trả lời: “Nếu Chi cục trưởng giao cho bọn em lập lại trật tự an ninh rừng vùng giáp ranh trong vòng 1 tháng thì điều đó có xá gì. Nhưng sau đó thì Kiểm lâm bắt đầu đuối sức, nếu không dựa được vào dân. Hai năm nay rừng Như Xuân bình yên trở lại chính là do dân đấy”.
Tôi hỏi dựa thế nào, cậu nói “Người miền núi làm nhà ở và làm rẫy thì không thể cấm đoán hoàn toàn. Kiểm lâm viên địa bàn phải chỉ cho dân được chặt cây gỗ nào để làm nhà hợp pháp, phải hướng dẫn cho dân phòng cháy rừng trong mùa đốt rẫy. Có như vậy dân mới tin yêu Kiểm lâm mà giúp lại, Còn những việc lớn như vùng nguyên liệu sắn, dứa mấy nghìn héc ta, thay đổi cơ cấu cây trồng, lập lại vùng cây công nghiệp cao su, rồi di dân tái định cư lòng hồ Cửa Đạt thì đó là việc lớn của tỉnh, của huyện, ngoài sức của bọn em, nhưng có tác động đến đời sống của dân, những việc đó làm tốt thì dân sẽ không phá rừng nữa”. Nghe Trạm trưởng tâm sự, tôi mừng lắm. Bài học dựa vào dân rất xưa cũ nhưng thấm đẫm tính nhân văn đã được Kiểm lâm viên cơ sở tiếp nhận từ thực tiễn. Cả năm 2004 Như Xuân không cháy rừng, vùng giáp ranh ổn định trở lại. Toàn tỉnh cũng thế, do làm tốt công tác tuyên truyền đến dân nên năm 2004 chỉ cháy 0,2 ha rừng tái sinh và 30 ha thảm thực bì lau lách. Độ che phủ của rừng đạt 42,2%. Đó được coi là một chiến công. Chia tay anh em ở Trạm, tôi nói “Chi cục biểu dương các bạn, nhớ đừng tự mãn, chúng ta phải cố gắng hơn, bây giờ chưa phải là lúc Kiểm lâm khoanh tay rung đùi, ngồi ngắm núi biếc. Nhưng các bạn, hãy đem rượu ra đây”. Đêm tối mịt mùng, trời căm căm rét, giữa chốn rừng sâu, cùng uống với nhau 1 chén rượu trắng, thật không còn gì ấm áp hơn tình đồng chí cho bằng.
Thực ra giữ cho được màu xanh của rừng cũng không phải là việc quá khó, nhưng bảo vệ rừng mà gắn được với sự phát triển của dân, của xã thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Trong phương án quy hoạch 3 loại rừng ở Thanh Hóa đến năm 2010 và 2015, khi bàn về quy mô còn nhiều quan điểm khác nhau. Rất nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục mở rộng quy mô rừng đặc dụng và phòng hộ hiện đang chiếm khoảng 60% đất lâm nghiệp lên 70%. Từ thực tiễn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm đưa ra quan điểm trái ngược, phải giảm diện tích 2 loại rừng này sao cho tổng diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng chỉ ngang bằng diện tích rừng sản xuất, tức là đặc dụng khoảng 100.000 ha, phòng hộ 250.000 ha và rừng sản xuất 350.000 ha. Có như vậy mới tăng đưọc diện tích rừng giao cho dân trực tiếp quản lý. 5 năm qua, Kiểm lâm Thanh Hóa kiên trì xây dựng và phát triển 3 Khu Bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Đến nay chúng ta đã có một hệ thống rừng đặc dụng hoàn chỉnh bao gồm hệ sinh thái núi đất, núi đá Pù Luông – Cúc Phương thuộc vùng Địa sinh học Bắc miền Trung. Trong tương lai, không thể đưa hết số dân sống trong rừng đặc dụng ra ngoài, đó chắc chắn sẽ là một cách làm không khôn ngoan và sẽ không tồn tại. Xu hướng là chúng ta phải xây dựng mô hình cho dân tham gia vào hoạt động bảo tồn như một thành viên chính thức, kiểu hợp tác nông trại gắn với hoạt động du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Các nước vùng Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan họ đã làm theo cách “Cộng hưởng lợi” với dân trong các Khu bảo tồn thiên nhiên vài thập kỷ nay và thu được kết quả hết sức khả quan. Thanh Hóa cũng không thể khác, nếu muốn phát triển các Khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã thì sớm muộn cũng phải đi theo con đường này.
Một trong những điểm nổi bật trong cách làm của Kiểm lâm Thanh Hóa trong công cuộc bảo vệ rừng trong những năm đầu thế kỷ 21 là sự phối hợp các ngành cấp tỉnh trong công tác tuyên truyền giáo dục Pháp luật. Tháng 10 năm 2004 Tỉnh đã tố chức hội nghị sơ kết 1 năm chương trình phối hợp bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng giữa Chi cục Kiểm lâm và Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Tích (khi đó là Phó Bí thư thường trực) đã đến dự. Đồng chí đã biểu dương và khen ngợi những thành tích mà 2 ngành đạt được đồng thời nhấn mạnh 4 vấn để lớn mà Lâm nghiệp Thanh Hóa phải hướng tới để hội nhập. Theo đồng chí vấn để then chốt nhất vẫn là chính sách cho đồng bào miền núi. Họ đã thủy chung ngàn đời gắn bó với rừng với đất, nay trong quá trình đổi mới, cả nước đi lên CNH, HĐH thì người dân miền núi có quyền được hưởng sự ưu đãi của Đảng, của Nhà nước để tiến kịp miền xuôi, tiến kịp cả nước. Kiểm lâm phải suy nghĩ tham mưu cho tỉnh những giải pháp và chính sách có lợi nhất cho dân trong khuôn khổ Pháp luật. Những vấn đề còn vướng mắc trong giải quyết gỗ gia dụng, đất làm nương rẫy, giao đất lâm nghiệp đến hộ và chính sách hưởng lợi thì phài làm sáng tỏ báo cáo Chính phủ để để tháo gỡ, không thể để dân sống trong rừng mà đói, mà rét, như thế là chúng ta có tội với dân, với Đảng.
Trong chương trình phối hợp giữa Kiểm lâm với Đoàn thanh niên, có một cách làm sáng tạo, đó là cuộc thi sân khấu hóa “Tuối trẻ với công tác PCCR và BVR". Cuộc thi được tổ chức từ các xã đoàn, rổi chọn đội tuyển lên huyện đoàn và cuối cùng là đêm chung kết liên hoan toàn tỉnh tại Như Thanh. Ở huyện Bá Thước, có xã biểu diễn tiết mục tự biên của con em được bà con cô bác đến xem còn đông hơn buổi diễn của đoàn văn công trên tỉnh xuống. Trong đêm chung kết toàn tỉnh, tôi đã gặp một cô gái Quan Sơn trước giờ lên sân khấu. Cô nói "Bọn em cả đời sống với núi rừng, nay được hát, được múa về quê hương, làng bản thích lắm anh à. Chúng em sẽ nói cho dân bản yêu rừng hơn, cùng Kiểm lâm bảo vệ rừng". Rồi cô hát nho nhỏ "Tôi muốn ôm cả đất, tôi muốn ôm cả trời, mà sao anh ơi không ôm nổi trái tim một con người", Giọng cô rất trong và ấm, cô tâm sự "Sao tác giả lại nghĩ ra đuợc câu hát hay như vậy, giá như ông đưa được cả rừng và cây vào đây nữa thì bài hát của em nhất định sẽ được giải”. Tôi động viên và giải thích cho em hiểu là “đất trời” thì có cả “rừng núi, bản làng” của em rồi, em cứ tự tin mà hát cho thật hay thế nào cũng đoạt giải. Cô gái vùng cao thật đáng yêu quá, tuổi trẻ bây giờ đáng yêu và tự hào quá. Họ không những mong muốn mà còn có thể dang đôi cánh tay cùng dòng máu tươi trẻ của mình ra mà ôm trọn bản làng, đất nước đi vào tương lai.
Đến đây, ban đọc có thể cho là rừng xứ Thanh đã hoàn toàn bình lặng? Nhưng người Mông di cư tự do dọc biên giới Việt – Lào kèm theo nạn phá rừng làm rẫy trái phép còn đang là nỗi lo trăn trở của cả tỉnh. Trên khâu lưu thông những con số vẫn còn gây nhức nhối: 2.500 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, 30 vụ hình sự, tịch thu 100 xe mô tô, 8 tấn động vật... Bọn buôn lậu tìm nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt nhà chức trách, rồi cản trở, mua chuộc, vu cáo, đe dọa cũng thường xảy ra. Gần đây, tại Ngọc Lặc một cán bộ kiểm lâm đã bị thương rất nặng vì lái xe chở gỗ lậu cố tình đâm thẳng xe vào tổ công tác khi anh ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Được tin đồng chí Hứa Đức Nhị, thứ trưởng Bộ NN&PTNT đến ngay Bệnh viên Trung ương để hỏi thăm và động viên người chiến sĩ kiểm lâm đang điều trị. Đồng chí Bí thư Tinh ủy đã chỉ đạo ngành Kiểm lâm phát động phong trào thi đua trong lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa về tinh thần quả cảm của người chiến sĩ ấy. Điểm qua vài thông tin như vậy để bạn đọc cảm thông và chia sẻ với những nhọc nhằn gian khổ trong cuộc chiến giữ cây, giữ rừng của nhân dân tỉnh Thanh trong đó Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt.
Xe chúng tôi vẫn băng về phía trước. Miền Tây Thanh Hóa, nếu có gì như vẫy gọi, thì đó chính là màu xanh của núi đồi. Giữa biếc xanh một màu ngăn ngắt, đã lấm tấm những cành đào phơn phớt hồng bên nhà ai ven khe suối nhỏ, đang êm đềm chảy giữa hai bờ xuân sang./.
Trần Tất Tiến.
Chùm thơ.
1. Mường Lát hôm nay
Gót ngựa Mông gõ dòn chiều phố núi
Hàng dệt thêu khoe sắc mái trường tươi
Váy xoè vít rượu cần chao đêm hội
Cho người về lúng liếng mắt Pom Puôi.
2. Trạm Kiểm lâm Tà Cóm
Cheo leo bên sườn đá
Thăm thẳm dựng bờ sông
Trạm Kiểm lâm Tà Cóm
Heo hút cùng mưa giăng.
Bồng bềnh mây phiêu lãng
Thâm u gió ngàn trùng
Thuyền xuôi con nước gọi
Nhắn ai có về cùng.
Khoác súng canh đầu núi
Rừng điệp điệp mưa sa
Mùa xuân còn lỗi hẹn
Người yêu nơi quê nhà.
3. Lên bản người Mông
Chúng tôi lên thăm bản người Mông
Xa heo hút dọc hai bờ sông Mã
Những cái tên nghe nhọc nhằn đến lạ
Piềng Kit, Pá Quăn, Tà Cóm, Xì Lồ.
Suốt một đời lang thang du cư
Bước chân qua bao cánh rừng ngã xuống
Nhà lá, con đông cái nghèo theo sát bóng
Nay định cư xóm núi dựng ven sông.
Anh đắp đập khai hoang dòng thuỷ lợi
Em trồng rừng cấy lúa lạ nên quen
Đêm thao thức nghe rừng xưa lay gọi
Nỗi ưu tư hằn xuống nếp người già.
Đường dốc vắng mùa xuân lên bản mới
Gió cay nồng hương ngô nếp lên men
Hoa mận nhà ai đơm trắng lối
Khoan nhặt bờ xa đổ tiếng khèn.
4. Đường lên Tà Cóm
Vượt dòng sông Mã chiều xuân
Đường lên Tà Cóm gian truân thác ghềnh
Hai bờ vách đá chênh vênh
Nước man man chảy con thuyền sóng chao.
Đây rồi bản nhỏ vùng cao
Trắng phau hoa mận hoa đào đơm bông
Sườn đồi rẫy cắt vừa xong
Đỉnh non rừng biếc mây bồng bềnh trôi
Bếp nhà ai toả hương xôi
Bên đàn em nhỏ đang chơi ném cù.
Bản xưa thay đổi giấc mơ
Tiếng khèn gọi bạn bên bờ xuân tươi
Men nồng bạn rót đầy vơi
Tôi như uống cả một trời vùng cao.
5. Qua bến Cửa Hà
Bơi chếch dòng sông Mã
Đêm dát bạc đường trăng
Thuyền ru hai mái lá
Sóng vỗ vào mạn không.
Xa xa mờ sương cỏ
Vạn chài thả câu giăng
Núi Hà in đáy nước
Thẳm lên bờ mùa xuân.
Nước neo lòng lữ khách
Dào dạt chảy về đông
Mái chèo khuya chậm chậm
Cho người đừng sang sông.
6. Sông Chu
Sông Chu thêm một lần tôi đến
Màu phù sa ngăn ngắt bãi ngô đồng
Con nước rặc, vó bè ai bỏ lặng
Cánh đồng chiều xào xạc mía mênh mông.
Chị và em ra bến sông giặt áo
Như ngày xưa mẹ giặt ánh sao trời
Từng đoàn xe nối qua cầu vội vã
Nhà máy đường vào vụ ép ca ba.
Lam Sơn một vùng khí thiêng sông núi
Lời cha ông còn vọng áng hùng văn
Đại cáo bình Ngô vung ngàn kiếm thép
Lại về đây ánh mắt trẻ thơ cười.
Dòng sông chảy thăng trầm bao kỷ niệm
Những mùa xanh ăm ắp sóng hai bờ
Cho người đi nơi chân trời góc bể
Vẫn nhớ về dào dạt khúc sông quê.
7. Em gái nhỏ trồng rừng
Nhân ngày LNVN 28/11
Kính tặng các chị trồng rừng
Một sáng xuân tôi gặp em trên núi
Mảnh mai gầy trong bộ áo màu xanh
Mỉm cười tươi, lúm đồng tiền không nói
Mải miết trồng rừng em nào biết mưa bay.
Mấy mươi năm suốt chặng đường không nghỉ
Sức con người xây đắp mảnh thiên nhiên
Em vun xới từng mầm tơ chồi biếc
Cây cùng em tháng ngày lớn lên.
Rừng luồng xanh soi bóng những triền sông
Ôm ấp vỗ hai bờ dào dạt sóng
Những đồi xưa không còn trơ sỏi trắng
Bước người đi mát rượi nẻo đường làng.
Rồi em lại lặng im
Ra đi,
không một lời hẹn ước
Thấp thoáng tà áo xanh phía trước
Thấp thoáng những cánh rừng em để lại cho anh.
Hôm nay ngày Lâm nghiệp Việt Nam
Gặp lại bao khuôn mặt ngời đồng chí
Những bậc cha anh tiền bối
Và đàn em như lớp lớp bãi bồi.
Tôi nhìn quanh mà không thấy em tôi
Có thể nào quên
Cô gái trồng rừng năm xưa trên núi
Lúm đồng tiền cho tình ai đeo đuổi
Phím đàn xanh huyền thoại của lòng tôi
Mảnh mai gầy khắc khoải mãi không thôi.
8. Khát vọng niềm tin
Tặng lớp võ thuật Kiểm lâm
Thường Xuân Thanh Hoá 2006
Lớp võ thuật Kiểm lâm
Dưới tán lá trưa hè lặng lẽ
Bằng nỗi khát khao sức mạnh
Kiên gan và chịu đựng
Anh tập từng động tác thuở ban đầu.
Ơi người lính lớn lên từ bùn đất áo nâu
Tổ quốc trao cho anh
Những cánh rừng thâm u
Nơi miền biên giới
Đại ngàn nguyên sinh tiếng hoẵng kêu đêm lạnh
Và những chiều ứa máu
Hoàng hôn rạch tím bầu trời.
Trên nẻo đường lẻ loi
Anh sẽ không cô đơn
Khi chính mình, anh đã mạnh lên
Đòn tấn công và phòng thủ
Vết ngã xước vai trần rát bỏng
Thao trường bài học đầu tiên
Khát vọng niềm tin
Trên gương mặt rạng ngời, nụ cười đồng chí.
Dòng suối mát rì rào lại ngân khúc đêm thanh
Người lính lên đường ánh sao cài lấp lánh
Những cánh rừng bình yên trong sương.