Bảo tồn thiên nhiên 02/07/2015:14:32:58
Quản lý trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện Tĩnh Gia
Tĩnh Gia là một trong 6 huyện thuộc vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích tự nhiên 45.828,67 ha, trong đó diện tích đất có rừng 15.595,04 ha, độ che phủ đạt 34,0%. Những năm qua, Hạt Kiểm lâm Tĩnh Gia đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp QLBVR, PCCCR, trong đó có hoạt động quản lý các cơ sở, trại nuôi nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản động vật hoang dã (ĐVHD).

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, hoạt động gây nuôi ĐVHD là một trong những biện pháp để bảo tồn nguồn gen, hạn chế bẫy bắt từ tự nhiên, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho tổ chức, cá nhân tham gia, tạo công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động, giải quyết được vấn đề lao động đang dư thừa hiện nay. Đồng thời Nhà nước cũng có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây nuôi, phát triển các loài ĐVHD trong điều kiện nuôi nhốt với nguồn gốc con giống hợp pháp. Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia hiện có 12 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận trại nuôi với tổng số 154 cá thể của các loài: Gấu, Chim trĩ, Lợn rừng, Nhím, trong đó có nhiều mô hình trại nuôi ĐVHD trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như hộ gia đình ông Ninh Văn Ngọc nuôi Lợn rừng ở xã Nguyên Bình, ông Nguyễn Trọng Đạt nuôi Trĩ đỏ ở xã Xuân Lâm…  Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, hoạt động gây nuôi ĐVHD trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, trở ngại đó là sản phẩm khó tìm thị trường tiêu thụ; gây nuôi nhỏ lẻ với quy mô hộ gia đình là chủ yếu; giao thông thuận lợi, phương tiện giao thông nhiều dẫn đến công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán, vận chuyển ĐVHD hết sức khó khăn; một số nhà hàng, quán ăn sử dụng thủ đoạn che dấu tinh vi, trong khi đó lực lượng Kiểm lâm địa bàn mỏng, dàn trãi gây khó khăn trong công tác quản lý…

Nuôi Lợn rừng tại hộ gia đình ông Ninh Văn Ngọc - xã Nguyên Bình

Nuôi Trĩ đỏ tại hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Đạt - xã Xuân Lâm

Đứng trước thực tế đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tĩnh Gia đã bám sát các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của cấp trên để chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi ĐVHD, đó là:

Một là: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho các hộ gây nuôi ĐVHD chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản ĐVHD.

Hai là: Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ ĐVHD cho công chức, VC, LĐHĐ trong đơn vị và cán bộ chuyên trách được giao nhiệm vụ ở cấp cấp xã, trưởng các thôn trên địa bàn huyện.

Ba là: Cấp phát sổ theo dõi nhập - xuất ĐVHD đến 100% tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hiện đang gây nuôi. Đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên và theo định kỳ hoặc đột xuất. Hàng tháng, tại mỗi cơ sở, KLĐB phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra ít nhất một lần, nội dung kiểm tra gồm: điều kiện chuồng trại an toàn cho người và vật nuôi nhốt, cũng như người dân trong vùng; công tác vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh; kiểm tra việc ghi chép sổ sách theo dõi nhập phát sinh tăng đàn.... Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp nuôi nhốt lợi dụng mua động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp đưa vào nhập đàn.

Bốn là: Hướng dẫn các chủ cơ sở, trại nuôi ĐVHD, các nhà hàng, khách sạn, quán ăn ký cam kết với chính quyền địa phương chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, BV ĐVHD và các sản phẩm ĐVHD; cam kết không mua, bán, cất giữ, vận chuyển ĐVHD trái phép.

Năm là: Định hướng cho nhân dân trên địa bàn thông qua các cuộc họp thôn hay thông qua văn bản quản lý nhà nước để khuyến nghị cho nhân dân lựa chọn, khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, điều kiện kinh tế - xã hội để lựa chọn loài nuôi, số lượng, quy mô đàn nuôi phù hợp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực, tránh chạy theo phong trào tự phát dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa hoặc không có thị trường tiêu thụ./.  

Tác giả: Lê Nguyên Cương
Số lượt đọc : 1333 - Cập nhật lần cuối: 02/07/2015 02:07:58 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành