Bảo tồn thiên nhiên 29/08/2014:13:54:36
Khám phá tài nguyên cây thuốc tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa
Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng tăng, con người càng trở về gần với tự nhiên và nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu có nguồn gốc từ tự nhiên ngày càng mãnh liệt. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có 80% dân số trên thế giới dựa vào nền y học cổ truyền để đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, trong đó chủ yếu là thuốc từ cây cỏ.

Sự quan tâm về lĩnh vực y học cổ truyền và đặc biệt là các loại thuốc thảo dược đã ngày càng gia tăng tại các nước phát triển và đang phát triển, điển hình là những nước vốn có nền y học cổ truyền như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, thế giới ngày nay có hơn 35.000 loài thực vật được dùng làm thuốc, trong khi đó ở nước ta, bước đầu ghi nhận có hơn 4.000 loài cây thuốc thuộc trên 1.600 chi của 307 họ thực vật (trong số đó trên 90% là cây hoang dại và có 144 loài đã được đưa vào “Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam”).

Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa được thành lập với mục tiêu bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, phát huy các giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học mà trọng tâm là 6 loài hạt trần quý, hiếm: Thông pà cò (Pinus kwangtungensis), Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), Dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argotaenia), Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis), Thông đỏ đá vôi (Taxus chinensis), Thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius). Ngay sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, bên cạnh việc gìn giữ, phát triển các loài hạt trần thì công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học được Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa (đơn vị được Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giao quản lý khu bảo tồn) thực thi đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng hiện có, trong đó có điều tra, khảo sát sơ bộ giá trị, tiềm năng loài thực vật có giá trị làm thuốc; kết quả bước đầu đã xác định trong khu bảo tồn có 152 loài thực vật làm thuốc với nhiều loài cho thuốc quý hiếm như: Cát sâm, Bảy lá một hoa, Lan kim tuyến, Lá khôi nhung, Vàng đắng, Thông đỏ đá vôi...

Dựa vào kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Hữu Hồng – Chủ tịch Hội Đông y Quan Hóa, người có trên 10 năm gắn bó với các loài cây cung cấp dược liệu trong khu vực Nam Động cho biết: Cây thuốc là tài nguyên sinh học dựa trên rừng, thành phần cây thuốc trong khu bảo tồn loài phân bố đặc thù trên hệ sinh thái rừng núi đá, rất đa dạng dạng sống, công dụng, có rất nhiều cây thuốc quý hiếm và nó có khả năng điều trị, hỗ trợ điều trị nhiều nhóm bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư, tăng cường sinh lực, đặc biệt có những bài thuốc chữa những căn bệnh nan y mãn tính như: Viêm cầu thận, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, đau khớp, đau lưng, viêm khớp,viêm gan, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, xơ gan... Những bài thuốc trên đang được áp dụng khá hiệu quả trong điều trị Đông y trên địa bàn tỉnh.

Thiết nghĩ, số liệu thống kê các loài cây cung cấp dược liệu nêu trên mới là sơ bộ ban đầu, điều cần thiết là chúng ta cần có dự án điều tra cụ thể, toàn diện gắn với việc sử dụng chúng trong dân gian cũng như từ những nền y học cổ truyền khác của thế giới thì thì tiềm năng cây thuốc ở đây còn lớn hơn nhiều. Thực hiện đồng bộ nguyên tắc bảo tồn nguyên vị (Insitu) với bảo tồn chuyển vị (Exsitu) bằng việc phát triển vùng gây trồng các loài cây dược liệu quy mô hộ để khai thác tiềm năng, lợi thế khu vực gắn với kiến thức bản địa về cách thức trồng, sản xuất dược liệu nhằm mục tiêu bảo tồn bền vững, nhất là trong giai đoạn hiện nay việc tạo sinh kế cho cộng đồng miền núi tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị./.

KHÁM PHÁ TÀI NGUYÊN CÂY THUỐC TẠI KHU BẢO TỒN CÁC LOÀI HẠT TRẦN QUÝ, HIẾM NAM ĐỘNG, HUYỆN QUAN HÓA

Cây thông đỏ (Taxus chinensis Pilger) được coi là loại dược liệu quý, lá và vỏ cây có thể điều chế các hoạt chất để chữa trị ung thư

Lan kim tuyến (Anoectochilus calcareus Aver) - một loại thảo dược quý hiếm ở Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng

Bảy lá một hoa (Paris poluphylla) hay còn gọi là thất diệp nhất chi hoa có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chữa sốt, rắn độc cắn, chữa mụn nhọt, ho lao…

Củ bình vôi (Stephania glabra (Roxb.) Miers.) có tác dụng trong các bài thuốc chữa an thần, tuyên phế …

Lá khôi nhung (Ardisia sylvestris Pitard) có tác dụng trong điều trị bệnh dạ dày 

Tác giả: Mai Văn Chuyên
Số lượt đọc : 3531 - Cập nhật lần cuối: 29/08/2014 01:08:36 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành