Bảo tồn thiên nhiên 04/12/2012:09:14:20
Phát triển du lịch sinh thái ở Thanh Hóa
Ở Việt Nam, vào năm 1999 trong khuôn khổ hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch thiên nhiên có mức độ giáo dục cao về sinh thái và môi trường có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường và văn hóa, đảm bảo mang lại các lợi ích về tài chính cho cộng đồng địa phương và có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn”; theo Luật Du lịch năm 2005, “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững”; theo Hiệp hội Du lịch Sinh Thái, “du lịch sinh thái là du lịch có trách nhiệm với các khu thiên nhiên là nơi bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương”.

Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan Du lịch Sinh Thái. Hệ thống rừng đặc dụng của tỉnh với 81.357 ha, gồm 2 Vườn Quốc gia (Cúc Phương, Bến En); 3 Khu Bảo tồn thiên nhiên (Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên); 1 Khu Bảo tồn loài (Sến Tam Quy); 4 Khu di tích Văn hóa - Lịch sử (Lam Kinh, Trường Lệ, Hàm Rồng, Bà Triệu) là những khu vực có nhiều yếu tố hấp dẫn khách du lịch sinh thái.

Khu vực Son Bá Mười (Lũng Cao, Bá Thước), bản Đục - Vịn (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) có khí hậu ôn đới mát mẻ không kém gì Sa Pa, Tam Đảo; hệ thống rừng nguyên sinh Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên… với thảm thực vật, động vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động thực vật quý hiếm và đặc hữu; thác Hòn Yến, thác Bảy tầng (Thường Xuân), thác bản Hiêu (Bá Thước)… đã và đang được khai thác; hệ thống hang động Hang Cáu, hang Dơi (Thường Xuân), hang Ngọc, hang Suối Tiên (Như Thanh), hang Ma, hang Co Phày, hang Co Luồng (Quan Hóa),… với các nhũ đá thiên tạo được người đời thêu dệt thành những thiên tình sử diễm lệ; hệ thống hồ Bến En, Xuân Liên… là những điểm đến lý tưởng về du lịch sinh thái.

Rừng nguyên sinh trên ở Khu BTTN Xuân Liên 

Thác Hòn Yến tại Thường Xuân 

Hang Kho Mường – Bá Thước 

Hồ Bến En

Vùng lõi và vùng đệm các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn có sự phân bố của các bản làng người Thái, Mường, Mông, Thổ nằm ven và trong rừng, còn lưu giữ những nét văn hoá bản địa, có thể mang lại những sản phẩm du lịch độc đáo như các làn điệu dân ca, dân vũ (như múa sạp, múa cây Bông, thổi khèn,…), các đồ thủ công mỹ nghệ, các món ăn dân tộc, sinh hoạt tinh thần và lao động sản xuất đặc trưng…

Những bản làng ven rừng

Bên cạnh các điểm du lịch sinh thái thuộc hệ thống các khu bảo tồn, Vườn Quốc gia, trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như Suối Cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Hang Bo Cúng (Quan Sơn), động Từ Thức (Nga Sơn); khu di tích An Tiêm (Triệu Sơn); Sông Mã, sông Chu và hệ thống các sông suối của 2 con sông này chảy len lỏi qua những bản Mường của đồng bào Thái, Mường và đổ ra cửa biển với những bãi bồi xanh ngát lúa ngô, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp làm mê hồn du khách; những ngọn thác, ghềnh của các con sông thực sự là thách thức đối với những người làm nghề sơn tràng, giao thương lên ngược về xuôi nhưng là điều kiện tốt cho loại hình du lịch mạo hiểm chinh phục thác ghềnh.

Trong những năm qua, khai thác tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái nhằm phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giải quyết việc làm đang là mối quan tâm của các cấp chính quyền ở Thanh Hóa, đặc biệt là những địa phương trong tỉnh có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. UBND tỉnh đã có những quan tâm đặc biệt đến phát triển du lịch sinh thái với việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển du lịch suối cá Cẩm Lương (Quyết định số 292/QĐ-CT, ngày 03/2/2004); phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Pù Luông, giai đoạn 2008 – 2015 (quyết định số 220/QĐ-UBND và số 221/QĐ-UBND, ngày 20/01/2009); phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bến En, giai đoạn 2008 – 2020 (quyết định số 4775/QĐ-UBND, ngày 31/12/2009); phê duyệt Đề cương quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên giai đoạn 2010 - 2020 (quyết định số 2922/QĐ-UBND, ngày 31/8/2009); Quy hoạch xây dựng phát triển du lịch sinh thái vùng huyện Quan Sơn (Quyết định số 2847/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 về việc phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập quy hoạch).

Du lịch sinh thái đã có bước tiến triển ban đầu như tạo việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và nhiều hộ dân ở không ít địa phương đã giàu lên nhờ làm du lịch sinh thái; hoạt động du lịch sinh thái đã góp phần phát triển nguồn nhân lực trong công cuộc đổi mới, góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; lễ hội truyền thống được khôi phục, ngày càng đi dần vào nền nếp lành mạnh, phát huy được thuần phong mỹ tục; mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài; thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa, góp phần hình thành, củng cố môi trường cho nền kinh tế mở, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương.

Tuy vậy, nhìn chung công tác phát triển du lịch sinh thái của Thanh Hóa đến nay vẫn đang trong bước chuẩn bị, nhiều tiềm năng du lịch còn bỏ ngõ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương. Thể hiện trước hết là công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị chưa đáp ứng yêu cầu; tiềm năng du lịch sinh thái chưa được quảng bá sâu rộng, thường xuyên tới du khách và thị trường du lịch trong và ngoài nước; lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái thiếu tính chuyên nghiệp, kém chuyên môn và trình độ thấp; trình độ dân trí, nhận thức của người dân về du lịch sinh thái còn hạn chế thậm chí yếu, kém; công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học chưa được quan tâm đúng mức, do vậy môi trường sinh thái còn bị nhiều tác động xấu, nhất là vùng phụ cận nơi có dân cư sinh sống; cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái còn quá yếu và thiếu, nhất là đường giao thông còn rất khó khăn (đặc biệt là các dịch vụ như lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước…đều rất thiếu và yếu); việc tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhằm tìm ra những sản phẩm đặc thù du lịch của từng khu, điểm du lịch chưa được tổ chức, đầu tư, do vậy chưa có đủ tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá cho du khách; chưa kết nối được các tour du lịch với nhau...

Để tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá về lịch sử văn hóa, danh thắng và vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển, một số những định hướng được khuyến nghị:

- Về trước mắt:

+ Hoàn thành công tác quy hoạch phát triển du lịch sinh thái của tỉnh; quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch sinh thái của từng vùng (như khu vực động Hang Ma, khu di tích An Tiêm,...); quy hoạch các điểm du lịch hình thành trong quá trình phát triển của vùng như các điểm du lịch hồ thuỷ điện Trung Sơn, Bá Thước…gắn với du lịch sinh thái trong vùng (hoàn thành trước năm 2015).

+ Đẩy mạnh quảng bá về du lịch sinh thái trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức quảng bá dưới nhiều hình thức; kết hợp giữa tính chất đại trà với tính chất tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Nên mở các lễ hội truyền thống, tranh thủ các sự kiện quốc gia, quốc tế tổ chức trong nước để giới thiệu quảng bá du lịch sinh thái Thanh Hóa (hàng năm).

+ Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch sinh thái, mà nòng cốt là cán bộ, nhân viên ở địa phương; đào tạo và nâng cao nghiệp vụ quản lý ngành du lịch (đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch), chú trọng nhân lực phục vụ trực tiếp và nhân lực quản lý cao cấp, quan tâm đến các Khu bảo tồn, Vườn Quốc gia (hàng năm).

+ Tăng cường và đẩy mạnh xã hội hóa du lịch. Khuyến khích các thành phần tham gia kinh doanh có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch. Trên cơ sở các quy định rõ ràng cổ vũ người dân địa phương làm du lịch bằng chính văn hóa đặc sắc của mình (đặc biệt là ở vùng đệm các khu rừng đặc dụng).

+ Tăng cường đấu mối với các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái (như cơ quan hợp tác Quốc tế Ai Len, GIZ, FFI...) hỗ trợ, kêu gọi hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái.

- Về lâu dài:

+ Phải luôn nhìn nhận phát triển du lịch sinh thái là một phần không thể tách rời trong phát triển du lịch của tỉnh.

+ Ban hành cơ chế đầu tư phát triển du lịch sinh thái tỉnh Thanh Hóa; xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái; tạo “niềm tin” cho các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch sinh thái, các doanh nghiệp cảm thấy có “lãi” khi đầu tư vào du lịch sinh thái.

+ Tập trung đầu tư hạ tầng và dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái, tạo được sản phẩm du lịch đặc thù (đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, thiết yếu như tuyến quốc lộ 217, tuyến đường 15A, 15C,...; các trung tâm du khách, trung tâm thông tin du khách tại các khu du lịch; các tuyến đường điện hạ thế; thông tin liên lạc; cấp thoát nước; vệ sinh môi trường), ở mỗi khu du lịch sinh thái cần tập trung đầu tư vào từ 1-2 điểm du lịch cộng đồng, xem đây là điểm nhấn và là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng (như bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa; bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện bá Thước; bản Son Bá Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước; bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân,...).

+ Đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái, tạo ra các sản phẩm du lịch có tính đặc thù: Dong thuyền trên Hồ Bến En, Xuân Liên ngắm cảnh, câu cá, lặn; nghỉ dưỡng cuối tuần tại các biệt thự cao cấp, các nhà nghỉ tại các bản văn hóa; khám phá, nghiên cứu rừng nguyên sinh, hang động, núi các loại sinh vật...; nghiên cứu, khám phá nền văn hóa truyền thống ở các bản làng người Mông, Thái, Mường,...

+ Mở rộng thị trường du lịch sinh thái, kết nối với các địa phương khác tạo thành các tour du lịch khép kín. Có thể liên kết với du lịch Hà Nội, Hòa Bình để cùng phát triển nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm xúc tiến quảng bá và làm du lịch; liên kết với các công ty du lịch có thương hiệu trong nước như Saigon Tourist, Viet Travel, HaNoi Tourist... để bước đầu đưa các tour đến với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; liên kết trong nội bộ các tuyến có những đặc điểm chung có tính chất hỗ trợ lẫn nhau.

+ Các ngành, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn, khẩn trương và đồng bộ hơn trong việc thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Cụ thể như việc lập dự án tôn tạo các di tích Lịch sử - Văn hóa cần có sự vào cuộc của ngành văn hoá, bảo tồn làng nghề thủ công có sự vào cuộc của Ban dân tộc, hội Nông dân… Các địa phương có tiềm năng du lịch sinh thái phối hợp các ngành hữu quan, các doanh nghiệp du lịch trong việc khảo sát, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch và đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch sinh thái. 

+ Cần có kế hoạch giám sát môi trường thông qua việc kiểm tra định kỳ các nguồn gây tác động môi trường, đặc biệt là việc kiểm tra việc xử lý rác thải, nước thải của các doanh nghiệp trong vùng có các điểm du lịch sinh thái./. 

Tác giả: Hoàng Văn Chuyên - Phòng BTTN
Số lượt đọc : 1743 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2012 09:12:20 AM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành