SD&PT rừng 20/04/2023:16:47:59
PHÁT TRIỂN RỪNG BỀN VỮNG GẮN VỚI CHUỖI CUNG ỨNG GỖ HỢP PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

         Những năm qua mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, được cộng đồng xã hội quan tâm sâu sắc hơn; cơ chế, chính sách được bổ sung, ban hành thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng; cùng với đó việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương của Việt Nam đã có tác động tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên. Kết quả đến nay diện tích rừng tăng 90.382,21 ha so năm 2012; trong đó rừng tự nhiên tăng 5.173,21 ha (từ 388.194,12 ha năm 2012 lên 393.361,33 ha năm 2022), rừng trồng tăng 85.209 ha (từ 169.167,02 ha năm 2012 lên 254.376,02 ha năm 2022); tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 50,5%  năm 2012 lên 53,6% năm 2022; năng suất rừng trồng đã tăng lên đáng kể, đạt 18 - 20 m 3 /ha/năm, tăng 3 - 5 m 3 /ha/năm so với năm 2015; khai thác gỗ đạt trên 900.000m3, 62 triệu cây tre luồng và 82.000 tấn nguyên liệu giấy; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2022 đạt 2.096 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2021; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đạt trên 25.000 ha.

 Ảnh 1: Nguồn giống giổi ăn hạt đươc tuyển chọn

         Trong những năm qua, cùng với chính sách của Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp như: Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thanh hóa đến năm 2025; Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025 trong đó hỗ trợ giống, phân bón thâm canh vùng Luồng, làm đường lâm nghiệp và cấp chứng chỉ rừng FSC; Kế hoạch số 260/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022- 2030.  Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc để phát triển chuỗi giá trị gỗ bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ảnh 2: Mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng loài cây Thiên Ngân

         Song song với các chính sách đã ban hành, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt trong việc quản lý, sử dụng giống cây lâm nghiệp, nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt (giống nuôi cấy mô, hom) đã được chọn và đưa vào sản xuất; nhiều tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, phát triển rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến lâm sản đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực. Thu hút nhiều doanh nghiệp liên kết với các hộ trồng rừng để cung cấp nguồn nguyên liệu, điển hình như: Nhà máy chế biến gỗ Thành Nam (huyện Như Xuân) công suất 180.000 m3 SP/năm, Nhà máy chế biến gỗ Dokata (huyện Thường Xuân) công suất 65.000 m3 gỗ xẻ tinh chế/năm, Công ty CP chế biến gỗ Xuân Sơn (huyện Thạch Thành) công suất 50.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm, Công ty cổ phần chế biến Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) công suất chế biến dăm gỗ 100.000 tấn/năm; ngoài ra tỉnh Thanh Hóa cũng đã kêu gọi đầu tư, xây dựng Nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng (huyện Lang Chánh) công suất 80 triệu cây tre luồng/năm; Nhà máy chế biến nông lâm sản và sản xuất viên nén mùn cưa Minh Ngọc (huyện Ngọc Lặc) công suất 48.000 tấn sản phẩm/năm; nhà máy chế biến viên nén tại Nghi sơn của Công ty Biomass Fuel Nghi Sơn công suất 250.000 tấn sản phẩm/năm.

         Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành lâm nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Diện tích trồng rừng tăng nhưng chất lượng, trữ lượng, năng suất, giá trị kinh tế của rừng trồng chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, công nghiệp chế biến lâm sản còn manh mún, mang tính tự phát, chưa có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gây lãng phí nguyên liệu, sức cạnh tranh yếu, sản xuất đang còn mang tính tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi chưa được mở rộng, chưa hình thành các vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cho phát triển rừng còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp, đường giao thông đối với khu vực miền núi.

         Để nâng cao giá trị, thúc đẩy sự phát triển rừng bền vững gắn với chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trên địa bàn, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

         1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc phát triển rừng rừng bền vững gắn với chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp của Trung ương, của tỉnh; kịp thời xây dựng, sửa đổi, ban hành các cơ chế chính sách mới nhằm tạo động lực, thu hút nhiều thành kinh tế tham gia phát triển rừng bền vững.

         2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, khai thác rừng cho người dân trên địa bàn; nghiên cứu tuyển tập các loài cây trồng Lâm nghiệp thích hợp cho mỗi vùng sinh thái khác nhau, có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn, có năng suất chất lượng cao, phục vụ trồng rừng kinh tế; tăng cường chuyển giao công nghệ mới, tạo sản phẩm chủ lực đột phá về chế biến.

         3. Thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng FSC gắn chế biến với xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp.

         4. Thực hiện đổi mới quan hệ sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX sản xuất lâm nghiệp, thúc đẩy tạo điều kiện về thể chế để nông dân, hộ gia đình đóng góp cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giữa nông dân-HTX-Doanh nghiệp.

         5. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp, sản xuất quy mô lớn, chế biến sâu gắn với thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra chuỗi sản phẩm lâm nghiệp theo quy trình lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tác giả: Thiều Văn Lực – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Số lượt đọc : 456 - Cập nhật lần cuối: 20/04/2023 04:04:59 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành