SD&PT rừng 23/06/2021:15:41:37
Cây Quế xứ Thanh sinh kế cho cộng đồng miền núi, thực hiện quản lý rừng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái
Quế Thanh Hoá là loại đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao, nhất là giá trị về dược liệu phòng và chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Quế và các bộ phận khác của cây Quế đều có thể chưng cất được tinh dầu, thân cây thớ gỗ mịn, đẹp, có tinh dầu thơm dùng để làm nhà hoặc đóng đồ mộc gia dụng, hàng xuất khẩu

Theo số liệu công bố của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 721/QĐ-UBND về hiện trạng rừng toàn tỉnh đến năm 2019 là 641.893,66 ha, trong đó diện tích có rừng tự nhiên là 393.364,59 ha; diện tích có rừng trồng là 248.529,07 ha; diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ là 593.527,11 ha, độ che phủ tương ứng là 53,40%.Trong các loài cây rừng trồng có cây Quế là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao và phòng hộ bảo vệ môi trường.

Trên địa bàn các huyện miền núi, cây Quế phân bổ tự nhiên ở các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Sơn. Trải qua nhiều thập kỷ gây trồng phát triển, chúng ta đã có những thành công quan trọng, đến năm 1989-1990, toàn tỉnh đã trồng dược 3.000 ha Quế, nhiều nhất là huyện Thường Xuân, 2900 ha. Quế Thanh Hoá là loại đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao, nhất là giá trị về dược liệu phòng và chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Quế và các bộ phận khác của cây Quế đều có thể chưng cất được tinh dầu, thân cây thớ gỗ mịn, đẹp, có tinh dầu thơm dùng để làm nhà hoặc đóng đồ mộc gia dụng, hàng xuất khẩu. Vì vậy ngày nay sản phẩm Quế là những mặt hàng được tiêu thu nhiều trong nước và thế giới, Từ những ngày xa xưa, trong dân gian thường hay nói: Nhất Quế Quỳ - Nhì Quế Thanh (Quế Quỳ là Quỳ Châu - tỉnh Nghệ An, Quế Thanh là Quế tỉnh Thanh Hóa). Quế Trịnh Vạn (Vạn Xuân) là Quế chất lượng cao, nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, được mệnh danh là Quế Ngọc - Châu Thường. Chuyện xưa kể rằng: “Chỉ cần một phiến quế nhỏ như lòng bàn tay thôi, nặng khoảng nửa lạng, có chỉ trắng lòng son, da khế thì tiền bằng 100 tạ thóc hoặc bằng 10 con trâu mộng”. Dưới thời nhà Nguyễn, Quế Ngọc Châu Thường còn dùng để cung tiến vua gọi là Quế Ngừ. Năm Minh Mệnh thứ 17, Quế Thường Xuân lại được khắc hình tượng vào Nghị Đình tại Đại Nội Cung Đình Huế.

Trong những năm của thời kỳ bao cấp, (1954-1985) việc đánh giá về hiệu quả kinh tế cũng như về chức năng phòng hộ của cây Quế chưa được quan tâm đúng mức. Gần đây có các chương trình Dự án như Dự án 327 và Dự án 661, thuộc chương trình Quốc gia trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Việc đưa cơ cấu loài cây đa tác dụng nói chung và cây Quế nói riêng vào trồng rừng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đồi núi trọc, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của các huyện miền núi và xây dựng hệ thống rừng phòng hộ bền vững.

Trong những năm trước đây do cơ chế chính sách của nhà nước cũng như nhận thức của đồng bào miền núi còn nhiều hạn chế, xem rừng là vô chủ, sống dựa vào tự nhiên khai thác lâm sản, săn bắt động vật, phát nương làm rẫy. Vì vậy rừng ngày càng nghèo kiệt, xuất hiện đất trống đồi núi trọc nhiều, đời sống của đồng bào miền núi gặp nhiều khó khăn.

Từ khi Đảng và nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình để quản lý bảo vệ, rừng có chủ, công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường, nạn tàn phá rừng, khai thác Lâm sản trái phép được giảm dần và nhiều địa phương đó cơ bản ngăn chặn được nạn tàn phá rừng. Diện tích đất trống trong rừng tự nhiên đươc tận dụng trồng Quế, Sa nhân,Thảo quả… tạo nguồn thu nhập kinh tế cho hộ gia đình. Đến nay nạn khai thác gỗ trái phép và chặt phá rừng làm nương rẫy du canh du cư cơ bản đó được ngăn chặn, màu xanh của rừng đang được phục hồi nhanh chóng, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 53,4%. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đó có Quyết định khôi phục rừng Quế Thường Xuân giai đoạn năm 2016-2020.                                                                          

Đồng bào miền núi nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho phù hợp với sự phát triển kinh tế hộ gia đình, trong đó có cây Quế. Huyện Thường Xuân là một mô hình trồng Quế có hiệu quả cao như các xã Xuân Chinh đã trồng 46 ha, Xuân Lẹ 13 ha, Xuân Lộc 11 ha tập chung, không kể Quế trồng phân tán .v.v…Các xã Vạn Xuân, thị trấn Thường Xuân tổ chức cơ sở Chế biến tinh dầu Quế làm dược liệu thơm cung cấp cho thị trường đem lại nguồn thu nhập cao cho các hộ gia đình trồng Quế, tăng thu nhập kinh tế cho các hộ gia đình.

Vườn quế gia đình Ông Trịnh Hồng Quân xã Xuân Cao - huyện Thường Xuân

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song việc lựa chọn ra mô hình trồng rừng, cơ cấu, mật độ trồng phù hợp thì cần có thêm thực tế để kết luận đảm bảo tính hiệu quả và năng xuất cao, Có như vậy mới phát huy được hiệu quả kinh tế và các chức năng phòng hộ đầu nguồn, cung cấp nguồn nước sạch cho các huyện vùng xuôi phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Để cây quế xứ Thanh tiếp tục được trường tồn và phát triển, là nguồn dược liệu quý và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, việc gây trồng và phát triển cây Quế cần hết sức chú ý về lựa chọn cây giống tốt, thân cây khỏe, không bị sâu bệnh, phương thức trồng thâm canh cây quế để nhà nước có căn cứ đầu tư chính sách khuyến khích phát triển.

Quế là loài cây dược liệu quý, thân cây cao trung bình 12- 15 m, đường kính từ 30-50cm, vỏ nhẵn mầu nâu nhạt, toàn thân chứa tinh dầu thơm, cành non vuông cạnh, màu lục nhạt phủ lông màu nâu đen sớm dụng. Lá đơn mọc cách hoặc gần đối xứng, phiến lá dầy hình trái xoan, dài từ 8-16 cm, rộng từ 4-5 cm, đầu lá nhọn dần, mép lá nguyên.  Lá có 3 gân gốc gần song song nổi rõ ở lưng lá, mặt lá bằng phẳng nhẵn bóng, cuống lá dài 2,5 cm, thô, phủ lông màu nâu đen.

Quế phát triển tương đối chậm, từ năm thứ 3 trở đi phát triển nhanh hơn, sau 10 - 12 năm bắt đầu ra hoa quả, cây có tuổi thọ tương đối dài trên 100 năm do đó rất thuận lợi cho việc trồng cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa là cây trồng rừng phòng hộ cho lâu dài.

Trên thế giới Quế phân bố tự nhiên ở vùng nhiệt đới, tập trung ở Đông Á, Nam Á (Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Myanmar, Malaysia, Sirilanka, Việt Nam) Quế mọc tự nhiên hỗn giao trong các khu rừng tự nhiên nhiệt đới ẩm. Ở Việt Nam, hiện nay Quế được trồng nhiều ở các tỉnh như: Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Quế thích hợp với khí hậu có nhiệt độ trung bình hàng năm 20 -25oC, lượng mưa trung bình 1500mm-2000mm/năm, phân bố theo mùa, độ ẩm trung bình > 85%.

Quế thích hợp đất Feralit có độ dày tầng đất > 50 cm, tơi xốp, ẩm, thoát nước, đất có tính chất đất rừng. Thành phần cơ giới pha sét nhẹ, thích hợp địa hình có độ dốc <25 o, độ cao tương đối > 100 m.

Quế là cây ưa bóng trung sinh: Dưới 4 tuổi phải có độ che bóng từ 40 đến 50 % ánh sáng, chịu nóng kém, sinh trưởng mạnh nhất vào mùa mưa, tăng trưởng về chiều cao > 10-15 cm/năm. Quế có khả năng tái sinh bằng hạt và chồi.

Từ xa xưa người dân đã biết cây Quế là cây đặc sản vô cùng quý hiếm, có rất nhiều công dụng, thân cây làm nhà và đồ mộc gia dụng. Vỏ, cành, lá, rễ cất tinh dầu, làm thuốc chữa bệnh và nhất là trong gia vị sinh hoạt hàng ngày của con người.

Hiện nay người dân ở các huyện miền núi đã chú trọng đến việc trồng cây Quế để kinh doanh và cho thu nhập cao so với một số loại cây trồng khác. Quế là cây ưa bóng trung sinh nên có thể áp dụng trồng quế dưới tán rừng tự nhiên, hoặc trồng xen dưới tán rừng trồng hoặc trồng thâm canh thuần loài.

Đã từ lâu đồng bào các dân tộc vùng núi đã có tập quán phát luỗng các rừng tự nhiên có trữ lượng thấp để trồng quế dưới tán rừng với mật độ 1.000 đến 1.500  cây/ha. Phương pháp trồng này đông bào đã có kinh nghiệm và biết dựa vào đặc tính sinh học rất quan trọng của cây Quế, lúc nhỏ Quế cần cây che bóng, sau đó chặt tỉa dần các loài cây không có mục đích cho đến khi cây cần ánh sáng hoàn toàn, trong quá trình đó thực hiện tỉa thưa dần rừng Quế để cho cây sinh trưởng và phát triển thành rừng tốt đồng thời tận thu sản phẩm tỉa thưa để có thu nhập về kinh tế nâng cao đời sống cho hộ gia đình.

Với phương thức trồng này đã tạo ra được một số loại hình kinh doanh tổng hợp nhiều loài cây thân gỗ trong đó cây Quế chiếm ưu thế chủ yếu. Đây là phương thức rất thích hợp để sản xuất vỏ Quế và chưng cất tinh dầu có chất lượng cao dùng  cho ngành y dược trong nước và xuất khẩu, đồng thời cung cấp gỗ cho sản xuất đồ mộc gia dụng. Phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cán bộ kỹ thuật Lâm nghiệp huyện hướng dẫn nhân dân chăm sóc rừng Quế

Quế là loài cây phát triển nhanh, tán lá rộng thích nghi trên nhiều loại đất và rất dễ sống, nhanh chóng nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ bền vững hệ sinh thái phát huy tính năng phòng hộ, tạo nguồn sinh thuỷ, bảo vệ nguồn nước, giữ độ ẩm cho đất, chống xói mòn, bảo vệ hệ sinh thái, tăng cảnh quan môi trường.

Có thu nhập từ cây Quế, người dân hạn chế vào rừng phát nương làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững, đời sống người dân được cải thiện góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi.

Tuy nhiên hiện nay tình hình phát triển trồng Quế ở các huyện miền núi còn chậm và đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, nhất là chính sách đầu tư hỗ trợ vốn cho trồng rừng tập trung theo quy hoạch đó được phê duyệt. Công tác thông tin tuyên truyền về giá trị của cây Quế đến người dân chưa được thường xuyên do khó khăn về kinh phí. Nhận thức của nguời dân về phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo còn nhiều hạn chế. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa còn trôi nổi, thiếu sự quản lý của nhà nước. Điều kiện đời sống kinh tế của đồng bào vùng núi còn nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư sản xuất, không được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.

Điều kiện đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc vùng núi cũng nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư sản xuất, không được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Công nghệ chế biến sản phẩm cũng thô sơ, chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có các cơ sở sản xuất chế biến công nghệ cao nên chưa tận thu hết các sản phẩm từ cây Quế, dẫn đến giá trị thu nhập cũng thấp.

   Từ những giá trị to lớn của cây Quế, một loài cây đặc sản có nhiều giá trị về phòng hộ môi trường và kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo nhanh cho đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa, nhất là các huyện có nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển cây Quế, Để cây Quế tiếp tục được bảo tồn trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở miền núi, góp phần thực hiện nghị quyết 30a của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững của các huyện nghèo trong cả nước, cần thực hiện một số giải pháp cho việc phát triển cây Quế như sau:

- Cần tăng cường đầu tư đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân về chính sách và pháp luật của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, về ý nghĩa, giá trị to lớn của cây Quế, một loài cây đặc sản và là cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế rất cao để cán bộ và nhân dân hăng hái tham gia phát triển gây trồng cây Quế và có cơ chế chính sách khuyến khích cho hộ gia đình trồng Quế, làm cho mọi người dân nhận thức được việc trồng và phát triển cây Quế sẽ giúp cho họ thoát nghèo.


 Chăm sóc vườn giống Quế hộ gia đình

- Quế có chu kỳ sản xuất, kinh doanh dài, trồng chủ yếu dưới tán rừng rất tốn công chăm sóc và cần phải có vốn để đầu tư, do vậy cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn cho nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, và thơi gian vay phù hợp với chu kỳ trồng Quế, vì hiện nay nhân dân các dân tộc miền núi còn thiếu vốn đầu tư.

- Cần quy hoạch vùng Quế tập trung có diện tích đủ lớn để thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ rừng và có sản phẩm hàng hoá để có nguồn thu nhập cao.

- Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho phát triển vùng Quế quy mô lớn từ 2.000 đến 3.000 ha để phát huy tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường và tạo nguồn kinh tế hàng hóa lớn của tỉnh, gúp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân các huyện miền núi.

- Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến  kinh doanh sản phẩm Quế, thu hút lao động, việc làm và thu nhập đời sống./. 

Tác giả: Khương Bá Tuân - Nguyên lãnh đạo Sở Lâm nghiệp
Số lượt đọc : 1124 - Cập nhật lần cuối: 23/06/2021 03:06:37 PM
 
Gửi Email Phản hồi  In tin


LỊCH CÔNG TÁC
DANH BẠ ĐIỆN THOẠI
KHAI BÁO Y TẾ
VĂN BẢN LIÊN QUAN KIỂM LÂM
Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam
Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam
Bộ Nông nghiệp & PTNN
Cục Kiểm lâm
UBND tỉnh Thanh Hóa
Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa
Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa
WEBSITE LIÊN KẾT
Bản quyền thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa
Địa chỉ: Số 03 Đường Hạc Thành, Thành phố Thanh Hoá. Điện thoại: (037) 3.852.243
® Ghi rõ nguồn "Kiểm Lâm Thanh Hóa" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Văn bản đã phát hành